Dân biết nhưng chính quyền không phát hiện
Ngày 9.7, PV Thanh Niên theo chân một “thổ địa” ở xã Phan Sơn (H.Bắc Bình) đến một mỏ cát để ghi nhận thực tế. Đây cũng là thời điểm mà Tổ công tác liên ngành chống khoáng sản trái phép của tỉnh Bình Thuận vừa bắt giữ 7 chiếc xe cuốc đào khoáng sản và 1 chiếc xe ben tại khu vực này (thôn Cà Lúc, xã Phan Sơn).
“Đây là mỏ cát của người Lâm Đồng đến khai thác”, anh K’Mon, người dẫn đường cho biết. Địa điểm mỏ khoáng sản trái phép này thuộc thôn Cà Lúc. Đây là nơi ở của người dân xã Phan Sơn và xã Phan Lâm (H.Bắc Bình) trước kia. Nay người dân vào khu tái định cư ven QL28B để sinh sống, vì khu đất này để nhà nước làm hồ thủy lợi Sông Lũy.
Tại hiện trường mỏ khoáng sản trái phép này có hàng chục hố cát “khủng” dấu hiệu mới khai thác. Trên các hồ nước vẫn còn bè nổi để máy bơm hút cát, ngổn ngang nhiều đường ống nhựa phi 20. Một diện tích rộng hơn 10 ha đã bị đào bới tung tóe; còn dẫn nước từ sông Ly vào, chảy qua khu mỏ này để lọc cát. Một khối lượng cát, sỏi, đất hàng trăm nghìn mét khối còn nguyên tại hiện trường. Xung quanh khu đất rộng mênh mông này có tới 4 ngôi nhà lợp tôn, vẫn còn đồ dùng sinh hoạt của các công nhân khai thác mỏ dù không thấy một bóng người. Người dẫn đường K’Mon cho biết, đây là khu đất rẫy của bà con trồng chuối, mít nhiều năm trước, do nằm ven sông Ly nên rất giàu khoáng sản.
“Từ sau Tết Nguyên đán 2019, chúng tôi thấy họ đưa xe máy, ô tô đến ủi đất, làm đường cứ tưởng nhà nước làm hồ thủy lợi. Nhưng sau này chúng tôi thấy từng đoàn xe chở cát, sỏi ra QL28B, rồi chở ngược lên Đức Trọng - Lâm Đồng, mới biết họ khai thác cát”, anh K’Mon nói.
Chiều 9.7, trong lúc chúng tôi ghi hình, xuất hiện một chiếc ô tô bán tải màu đỏ tiến vào khu mỏ trái phép này. Theo anh K’Mon, đây là một trong các “ông chủ từ Lâm Đồng” đến nghe ngóng khi có tin báo có người lạ chụp ảnh mỏ cát. Khi phát hiện bị chúng tôi ghi hình, người đàn ông đang gọi điện thoại cho ai đó nhanh chóng bước vào trong ô tô bán tải BS 49C-120..., rời khỏi khu vực mỏ cát.
Theo quan sát, lượng khoáng sản đã bị lấy đi ở đây không chỉ có cát, mà các chủ mỏ lậu có máy sàng cát và sỏi thành các sản phẩm khác nhau (cát riêng, sỏi, đá riêng). Ngoài ra, nhiều cây gỗ rừng có thân cao vài mét, đường kính tới 40 - 50 cm cũng bị ủi ngã gục chôn trong các mương cát.
Một cán bộ UBND xã Phan Sơn cho biết họ không hề phát hiện ra các mỏ khoáng sản trái phép này. Tương tự, một lãnh đạo UBND H.Bắc Bình cũng cho biết: “Các lực lượng chức năng thường xuyên mai phục, nhưng không bắt được”… dù ra vào nơi này chỉ có con đường độc đạo.
Và mỏ lậu “của người Bình Thuận”
Mỏ cát lậu thứ hai mà chúng tôi vừa phát hiện có vị trí giữa sông Ly, thuộc thôn Cà Lúc, xã Phan Sơn. Mỏ cát này được anh K’Mon khẳng định là “của dân Bình Thuận, bởi vì nó chở về xuôi”. Theo con đường nhỏ bằng bê tông vào thôn Cà Lúc (một thôn chỉ có vài chục hộ dân Raglay ngay chân núi Sao Mai), chúng tôi rẽ vào trạm bảo vệ rừng Cà Lúc, rồi tiến sát đến bờ sông. Nói là sông Ly, nhưng khi không có mưa lũ, dòng sông chỉ có chiều ngang như một con suối; bà con đi rẫy vẫn qua lại hằng ngày. Tại đây, một công trường khai thác khoáng sản trái phép “mênh mông” trải dài hàng cây số theo sông Ly.
Tại hiện trường chỉ có một lán trại có người canh giữ. Trong bụi cây còn 2 chiếc xe múc. Người canh giữ nói họ chỉ “nghỉ nhờ” chứ không phải khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trong bếp vẫn còn xoong nồi, võng, dao rựa, các chai dầu ăn vẫn còn đầy. Điều đó cho thấy vẫn có người ở đây canh gác mỏ cát lậu ở sông Ly.
Đi qua bên kia sông Ly mới thấy việc khai thác cát, sỏi ở đây “kinh khủng” như thế nào. “Công trường khoáng sản lậu này quá lớn và đã được khai thác từ lâu lắm rồi”, anh K’Mon thông tin.
Mặt khác, sau khi Báo Thanh Niên phản ánh việc khai thác khoáng sản trái phép tại xã Sông Bình (H.Bắc Bình) thì UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép ở địa phương này. Có thể vì thế mà các công nhân và xe cộ ở công trường này “biến mất”. Những chiếc xe múc còn nằm lại thì có lẽ bị hư hỏng, chờ xe đến kéo.
Ai chống lưng ?Người dân địa phương đặt câu hỏi “phải có người chống lưng hay bảo kê thì họ mới khai thác được công khai như thế chứ?”.
Ngày 10.7, lãnh đạo Sở TN-MT Bình Thuận cho biết ngay sau khi tổ liên ngành bắt quả tang hoạt động khai thác khoáng sản ở thôn Cà Lúc, xã Phan Sơn, H.Bắc Bình (nơi mà PV mô tả phần đầu), Sở đang lập hồ sơ, báo cáo lên UBND tỉnh để xin chủ trương xử lý tiếp.
Trước đó, trả lời Thanh Niên về hoạt động khai thác cát trái phép ở xã Sông Bình (hộ ông Hồ Công Tồn), đại tá Trần Văn Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết: “Công an tỉnh đang làm và làm quyết liệt để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không có vùng cấm nào trong việc xử lý khoáng sản trái phép”.
|
Bình luận (0)