Phát hiện thêm cách dễ làm để phòng bệnh tiểu đường

Thiên Lan
Thiên Lan
23/09/2024 09:09 GMT+7

Nghiên cứu mới vừa được trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội châu Âu về nghiên cứu bệnh tiểu đường (EASD) 2024, đã tìm ra thêm một cách để bạn giảm đến gần 50% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường từ thói quen ngủ của mình.

Các nhà khoa học từ Đại học Leiden (Hà Lan) đã nghiên cứu mối liên hệ giữa thời gian ngủ, bệnh tiểu đường và sự phân bố mỡ trong cơ thể ở hơn 5.000 người tham gia, chủ yếu ở độ tuổi giữa 50.

Những người tham gia đã báo cáo về thời gian thức dậy và đi ngủ thông thường của họ.

Phát hiện thêm cách dễ làm để phòng bệnh tiểu đường- Ảnh 1.

Thức khuya có thể dẫn đến mất cân bằng nhịp sinh học - vốn có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa và cuối cùng là dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2

ẢNH: PEXELS

Từ đó, các tác giả chia những người tham gia thành 3 nhóm:

  • Nhóm 1 - kiểu thời gian sinh học muộn, gồm những người đi ngủ muộn nhất.
  • Nhóm 2 - kiểu thời gian sinh học sớm, gồm những% người đi ngủ sớm nhất.
  • Nhóm 3 - kiểu thời gian sinh học trung gian, gồm những người đi ngủ không quá sớm không quá muộn.

Trong thời gian theo dõi trong gần 7 năm, có 225 người phát bệnh tiểu đường loại 2.

Kết quả đã phát hiện ra rằng tránh thức khuya có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo tờ New York Post.

Cụ thể, những người không thức khuya (đi ngủ sớm và đi ngủ không quá sớm hoặc quá muộn) có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn 46% so với những người thức khuya, theo tiến sĩ Jeroen van der Velde, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Leiden.

Phát hiện thêm cách dễ làm để phòng bệnh tiểu đường- Ảnh 2.

Tránh thức khuya có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

ẢNH: PEXELS

Ông giải thích: Có khả năng là đồng hồ sinh học ở những người có kiểu thời gian sinh học muộn không đồng bộ với lịch trình bình thường. Điều này có thể dẫn đến mất cân bằng nhịp sinh học - vốn có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa và cuối cùng là dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có kiểu thời gian sinh học muộn có chỉ số khối cơ thể BMI cao hơn, vòng eo lớn hơn, nhiều mỡ nội tạng hơn và hàm lượng mỡ gan cao hơn so với những người có kiểu thời gian sinh học trung gian.

Họ cho rằng nguyên nhân khiến những người thức khuya dễ mắc bệnh tiểu đường hơn có liên quan đến lượng mỡ trong cơ thể nhiều hơn.

Tiến sĩ Van der Velde giải thích: Những người có kiểu thời gian sinh học muộn dường như có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn so với những người có kiểu thời gian sinh học trung gian, có thể là do lượng mỡ trong cơ thể cao hơn, bao gồm mỡ nội tạng và mỡ gan.

Lời khuyên cho người thức khuya để tránh bệnh tiểu đường

Tiến sĩ Van der Velde đưa ra lời khuyên: Những người thức khuya nên cân nhắc kết thúc bữa tối vào một thời điểm nhất định, chẳng hạn như 18 giờ, vì thời điểm ăn có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và trao đổi chất, theo New York Post.

Ông cũng cho biết trong quá trình tiến hành nghiên cứu, ông sẽ cung cấp thêm lời khuyên cụ thể về những thay đổi thói quen ngủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.