Con số 3,14 rất gần với hằng số π (Pi), con số siêu việt thể hiện tỷ lệ giữa chu vi với đường kính của một đường tròn. Vì thế, dù tên chính thức của hành tinh là K2-315b, những người phát hiện đặt biệt danh cho nó là “Trái đất Pi”, theo trang Space.com.
Phải mất vài năm các chuyên gia của địa cầu mới xác định được sự tồn tại của hành tinh đặc biệt này. Những manh mối đầu tiên lộ diện vào năm 2017, khi kính viễn vọng không gian Kepler thực hiện sứ mệnh thứ hai của mình.
Trong ánh sáng yếu ớt của một sao lùn đỏ chỉ bằng 20% kích thước của mặt trời, Kepler phát hiện 20 chấm nhỏ xíu ở khoảng cách bằng nhau, cho thấy có dấu hiệu của hành tinh đang đi ngang ngôi sao.
Dựa trên dữ liệu do Kepler cung cấp, nhà thiên văn học Prajwal Niraula và đồng sự thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) tiếp tục nghiên cứu đối tượng bằng SPECULOOS, một hệ thống các kính viễn vọng rô bốt chuyên săn lùng các hành tinh ở gần những sao lùn nguội nhất.
Cuối cùng, dựa vào thiết bị đặc biệt của Đài quan sát W. M. Keck ở Hawaii (Mỹ), họ đo được quỹ đạo của hành tinh này quanh sao lùn đỏ là 3,14 ngày và “Trái đất Pi” có kích thước gấp khoảng 95% địa cầu của chúng ta.
Với quỹ đạo ngắn ngủi như thế, K2-315b di chuyển với tốc độ nhanh đến chóng mặt 81 km/giây (so với 29,78 km/giây của Trái đất). Ước tính nhiệt độ trên bề mặt của nó phải lên đến 177oC.
Bình luận (0)