Ngày 30.3, tại Hà Nội, lần đầu tiên Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) được tổ chức nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 6. Đây là sáng kiến của Chính phủ VN nhằm tăng cường đối thoại giữa các chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN), đối tác phát triển, cũng như thúc đẩy sự tham gia của các DN trong và ngoài khu vực vào các hoạt động GMS.
Phiên đối thoại chính sách với chủ đề “Tìm động lực mới cho phát triển kinh tế” diễn ra chiều 30.3 ghi nhận sự tham dự của lãnh đạo cả 5 nước GMS, gồm: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith; Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha; Phó tổng thống Myanmar U Henry Van Thio; Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và có sự tham dự của Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi; Chủ tịch ADB Takehiko Nakao; Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc tài chính WB Joaquim Levy; đại diện gần 100 tổ chức quốc tế và đối tác phát triển cùng hơn 2.000 DN trong và ngoài khu vực GMS.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Tiểu vùng Mê Kông mở rộng là khu vực rộng lớn với số dân 340 triệu người, một “nền kinh tế” quy mô GDP lên đến hơn 1.300 tỉ USD, cho thấy dù các quốc gia nhỏ với tiềm lực hạn chế, khi liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau sẽ mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.
Nằm ở trung tâm của cả khu vực châu Á phát triển năng động, GMS đang trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của toàn cầu, nên việc định hình một tầm nhìn mới cho hợp tác như một khu vực kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa cần được làm ngay lúc này.
Để GMS không phải là một phép cộng cơ học của các nền kinh tế thành viên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở một số việc cần làm như cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại xuyên biên giới... Thủ tướng cũng đề nghị GMS cần tiếp tục giữ được bản sắc riêng, một cơ chế hiệu quả nhằm cộng hưởng được sự quyết tâm và nỗ lực từ tất cả các bên để tạo nên nguồn lực mới giải quyết các khác biệt, mở rộng không gian hợp tác kinh tế.
“Nguồn lực mới cho phát triển, trước hết đến từ việc phát huy tốt nội lực của chính mình, mỗi nền kinh tế chúng ta cần tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, để giải phóng mọi nguồn lực tiềm năng, sức sáng tạo của các DN, người dân. Đó chính là nguồn lực mới và cũng là nền tảng cho thành công của hội nhập, liên kết kinh tế quốc tế khu vực...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu.
Đánh giá cao sáng kiến của VN, lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh được tổ chức trong khuôn khổ GMS để các nhà lãnh đạo lắng nghe nguyện vọng và kêu gọi sự tham gia của DN, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng bày tỏ tin tưởng vào triển vọng hợp tác của khu vực GMS. Tại diễn đàn, các đại biểu khẳng định vị trí chiến lược của các quốc gia GMS trong tổng thể phát triển và thịnh vượng chung của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Các phát biểu đều đánh giá cao tốc độ phát triển của khu vực GMS, cho rằng với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng, lên tới 6,1%/năm vừa qua, trong tương lai không xa, Tiểu vùng sông Mê Kông có thể trở thành một trong những vùng đất có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Các đại biểu cũng nhất trí, nhịp độ phát triển hiện nay của tiểu vùng này có thể được nâng cao hơn nữa, thông qua tăng cường đối thoại, hợp tác và phối hợp trong các mục tiêu phát triển. Các DN, các tổ chức phát triển quốc tế và khu vực có vai trò quan trọng, quyết định trong thực hiện thành công các mục tiêu về đẩy mạnh phát triển khu vực.
Ngày 31.3, Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 6 sẽ chính thức khai mạc tại Trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thăm VN
Nhận lời mời của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức VN và dự Hội nghị thượng đỉnh hợp tác GMS lần thứ 6 từ ngày 30.3 - 2.4. Theo chương trình dự kiến, sau khi chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội đàm với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh vào ngày 1.4, ông Vương Nghị sẽ có buổi chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và rời VN vào ngày 2.4.
|
Tại hội nghị bên lề diễn đàn, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đề nghị nghiên cứu triển khai chương trình kết nối hệ thống cáp quang siêu tốc, dỡ bỏ phí điện thoại roaming, thành lập hiệp hội hợp tác xử lý các vấn đề về an ninh mạng giữa các quốc gia GMS. Sáng kiến này nếu được thực hiện, sẽ tạo một nền tảng kết nối để có thể đi tắt, đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế GMS.
|
Bình luận (0)