Phạt người ép uống rượu, bia: Băn khoăn tính khả thi

30/09/2020 05:04 GMT+7

Dù rất đồng tình ủng hộ đối với luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có việc xử phạt người ép uống rượu, bia, tuy nhiên nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi.

Như Thanh Niên thông tin, tại hội nghị triển khai hướng dẫn một số văn bản pháp luật về luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Bộ Y tế tổ chức hôm 28.9, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mãi rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi...

Quán nhậu sụt giảm khách vì “tín đồ rượu bia” sợ thổi nồng độ cồn

Cũng theo bà Trang, Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế do Thủ tướng ký ban hành, có hiệu lực từ ngày 15.11 tới (thay thế Nghị định 176/2013) có các điểm mới, quy định về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực rượu, bia.
Theo đó, tại điều 30 quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia. Phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi: uống rượu, bia tại địa điểm không được uống rượu, bia; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia.
Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với các hành vi: uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu, bia...

Ủng hộ phạt nặng

Nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ sự đồng tình ủng hộ đối với luật này, trong đó có việc xử phạt người ép uống rượu, bia. “Hy vọng với quy định mới này cả xã hội và cộng đồng sẽ nghiêm túc thực hiện để giảm thiểu những tác hại của bia, rượu”, BĐ Bình Minh ý kiến.
Tương tự, BĐ Minh Tuấn đồng tình: “Ngày trước tôi cũng hay bị ép uống rượu, bia. Dần dần sau đó đến lượt mình ép lại người khác. Với luật mới này thì tôi và bạn bè chắc chắn sẽ từ bỏ những hành vi không tốt đó. Hy vọng mọi người cùng thực hiện để xã hội văn minh, lành mạnh hơn”.
“Tôi cho rằng luật này sẽ được ủng hộ mạnh. Vì bên cạnh bảo vệ sức khỏe của người dân thì còn gián tiếp hạn chế được nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội như tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, đâm chém, đánh nhau...”, BĐ Trần Chương ý kiến.
BĐ Phong Sơn cho rằng: “Trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ án vì từ chối bia, rượu trong bàn tiệc; hoặc bị ép uống dẫn đến tai nạn giao thông sau đó khi đi trên đường... Hy vọng luật mới khi có hiệu lực sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng này”.

Quan trọng vẫn là ý thức

Bên cạnh việc đồng tình ủng hộ thì cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả khi thực thi. "Tôi ủng hộ quy định này nhưng thấy vẫn chưa khả thi lắm. Khái niệm về “ép uống bia, rượu” còn mập mờ, chưa rõ ràng. Hơn hết, lực lượng chức năng đâu thể ngồi kế bên, chờ người ta ép uống rồi phạt. Mà bạn bè, người thân, đối tác ngồi cùng nhau thì cũng chẳng ai đi khai ra đâu. Trước mắt phải đánh vào ý thức của người uống cái đã. Phải làm sao để họ thấy rằng nếu có lái xe, tham gia giao thông hoặc đang ở những nơi cấm uống rượu, bia thì phải tuân thủ chấp hành quy định. Chứ đừng mang chuyện bị ép ra đổ lỗi cho hành vi sai của mình", BĐ Hữu Tín ý kiến.
Tương tự, BĐ Từ Liêm cho rằng: "Nghe thì hay đấy nhưng liệu có khả thi hay không? Nhiều khi bị ép thì cũng vui vẻ nhận lời hoặc từ chối chứ không lẽ lại đi khai ra người ép buộc mình? Mà ép ở đây là gì, thông qua lời nói, hành động... cũng chưa được nêu rõ. Phải hiểu sao là "ép" để xử phạt?".
"Như thế nào gọi là ép? Cần phải rõ ràng trong nội dung để người dân biết mà chấp hành. Tôi thấy quan trọng nhất vẫn là ý thức, người ta có ép mà mình quyết từ chối thì cũng được mà", BĐ Nguyễn Huy nêu ý kiến.
Sắp tới đây ép uống rượu, bia là phạm luật và sẽ bị xử phạt nghiêm. Quá tuyệt vời!
Mai Ngọc
Chuyện ép hay không không quan trọng bằng việc người ta có muốn uống hay không? Đã muốn thì không ép cũng uống, còn đã không thì có nói thế nào cũng biết cách từ chối. Cần triệt tận cái gốc chứ người ép không phải là mấu chốt vấn đề.
Đinh Thảo
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.