Phát phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về 2 điều của luật An ninh mạng

Vũ Hân
Vũ Hân
11/06/2018 22:31 GMT+7

Kết quả lấy phiếu ý kiến đại biểu Quốc hội với 2 nội dung của luật An ninh mạng cho thấy đa số đại biểu đã thống nhất với quy định của dự án luật này.

Chiều 11.6, kết quả lấy phiếu các đại biểu về điều 10 - Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, và điều 26 - Bảo đảm thông tin trên không gian mạng, đã được gửi đến đại biểu Quốc hội.
Theo thông tin Thanh Niên có được, phiếu đã được gửi đến đại biểu Quốc hội trong buổi sáng 11.6 và kết quả tổng hợp đã có vào chiều cùng ngày.
Văn bản thông báo ý kiến đến đại biểu Quốc hội nói rõ: theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về điều 10 và điều 26 dự thảo luật An ninh mạng. Tính đến 16 giờ ngày 11.6, Tổng thư ký Quốc hội đã nhận được 437 phiếu gửi lại.
Với quy định trong điều 10 về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, có 392 đại biểu (chiếm 89,70%) đồng ý, 41 đại biểu (chiếm 9,38%) không đồng ý và 4 đại biểu có ý kiến khác hoặc không có ý kiến.
Với điều 26 - Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, có 358 đại biểu (chiếm 81,92 %) đã đồng ý, 73 đại biểu không không đồng ý (chiếm 16,70 %) và 6 đại biểu có ý kiến khác hoặc không có ý kiến. 
Ngày mai (12.6), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này.
Được biết, tại dự thảo luật mới nhất vừa gửi tới đại biểu, phạm vi điều chỉnh của dự án luật vẫn bao gồm cả hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bởi qua tổng hợp ý kiến, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với điều này.
Về kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức (điều 24), nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ lo lắng, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lược bỏ khoản 1 về kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; chỉnh lý quy định về kiểm tra tại khoản 2 về đối tượng kiểm tra an ninh mạng cho chặt chẽ, cụ thể hơn là khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng hoặc khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin; cụ thể hóa trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng.
Về điều 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định rõ trường hợp cung cấp thông tin là để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng và chỉnh sửa quy định lưu vết thành lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm cho rõ ràng, khả thi, tránh lạm dụng trong thực hiện.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị thu hẹp và cụ thể hóa các loại dữ liệu cần lưu trữ tại Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lược bỏ quy định lưu trữ dữ liệu quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; đồng thời, cụ thể hóa các loại dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam cần phải lưu trữ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung quy định việc lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam chỉ trong thời gian nhất định theo quy định của Chính phủ để tránh chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời bỏ điểm đ khoản 2 trong dự thảo Chính phủ trình để tránh bị lạm dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.