Ở tuổi 14, hành vi của các em mang tính tự phát, rất cần được giáo dục định hướng. Khi những hình ảnh trong nhà nghỉ bị phát tán, các em sẽ bị tổn thương, xấu hổ trước xã hội, GS-TS Tâm lý Vũ Gia Hiền nói.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền, cả về mặt đạo đức hay pháp luật thì việc quay clip rồi đưa lên mạng để mạt sát người khác là điều không được phép. Người tung clip lên mạng có mục đích gì? Muốn thỏa mãn điều gì? Các em học sinh hoàn toàn có thể kiện người tung clip đã không tôn trọng quyền cá nhân, đặc biệt đây lại là trẻ vị thành niên.
"Ở tuổi 14, hành vi của các em mang tính tự phát, chưa có chủ đích. Các em rất cần được giáo dục định hướng. Khi những hình ảnh trong nhà nghỉ bị phát tán, các em sẽ bị tổn thương, bị xấu hổ trước xã hội. Sự sợ hãi có thể gây tâm lý hoảng loạn, điều này ảnh hưởng rất xấu đến việc hình thành nhân cách của các em. Như người xưa có nói: “Một con chim mà bị trượt một mũi tên thì lúc nào cũng sợ!”, Giáo sư - Tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền nói thêm.
"Ở tuổi 14, hành vi của các em mang tính tự phát, chưa có chủ đích. Các em rất cần được giáo dục định hướng. Khi những hình ảnh trong nhà nghỉ bị phát tán, các em sẽ bị tổn thương, bị xấu hổ trước xã hội. Sự sợ hãi có thể gây tâm lý hoảng loạn, điều này ảnh hưởng rất xấu đến việc hình thành nhân cách của các em. Như người xưa có nói: “Một con chim mà bị trượt một mũi tên thì lúc nào cũng sợ!”, Giáo sư - Tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền nói thêm.
Việc gây tổn thương tâm lý dễ dẫn đến các hệ quả xấu về tính cách của trẻ khi phát triển - Ảnh minh họa: Shutterstock
|
Trong khi đó, về mặt luật pháp, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho hay trong Điều 20, Hiến pháp năm 2013 có quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Và Điều 37, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Trong Điều 14, luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004, cũng quy định rõ ràng trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.
Ngoài ra, Điều 31, Bộ luật dân sự quy định, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Với người chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Phát tán clip 9 em học sinh vào nhà nghỉ lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của các cá nhân liên quan là có dấu hiệu vi phạm pháp luật - Ảnh minh họa: Shutterstock
|
Bên cạnh đó, Điều 38, Bộ luật Dân sự có quy định việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Với người chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Vì vậy, việc quay và phát tán clip 9 em học sinh vào nhà nghỉ lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của các cá nhân liên quan là có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây tổn thương tâm lý trẻ.
Tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng thì pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng việc sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Tuỳ theo mức độ vi phạm, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử lý như sau:
- Về xử lý hành chính: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người có hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Về xử lý hình sự: Theo quy định tại điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nếu phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; hoặc phạm tội đối với nhiều người có thể bị phạt tù từ 01- 07 năm.
Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 25 Bộ luật Dân sự 2005 thì người bị xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm bởi hành vi bêu rếu, nói xấu trên Facebook có quyền yêu cầu yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
|
Bình luận (0)