Ngày 26.11, tại TP.Cần Thơ, Bộ KH-ĐT và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị báo cáo và tham vấn về “Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Sau hội nghị này, Bộ KH-ĐT sẽ báo cáo trình Hội đồng Thẩm định quy hoạch vùng thẩm định trước khi trình Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12.2020.
Các mục tiêu của quy hoạch đáng chú ý là phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Lấy yếu tố con người làm trung tâm, là chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo biến thách thức thành cơ hội. “Những bài học như Israel là quốc gia thiếu nước ngọt nhưng họ vẫn có nền nông nghiệp phát triển và hiệu quả nhất thế giới; còn Dubai ở Trung Đông không có nhiều tài nguyên (trừ dầu mỏ) và toàn sa mạc nhưng vẫn có đô thị phát triển mà nhiều người nổi tiếng muốn đến sống”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng.
Về quản lý nước, chia vùng ĐBSCL thành ba tiểu vùng: vùng nước ngọt; vùng chuyển tiếp (chấp nhận ngọt - mặn theo mùa, chỉ điều tiết, không ngăn mặn); vùng mặn (tuần hoàn nước biển, phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái). Lúa gạo giữ ở mức cần thiết tối thiểu, tăng giá trị sản phẩm, tập trung vào vùng có lợi thế nhất, giảm và tiến tới bỏ lúa vụ 3. Nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực mũi nhọn nhưng tập trung vào quản lý rủi ro, giảm thiểu tác động môi trường. Cây trái rau màu: định hướng tăng giá trị, tăng diện tích, công nghệ cao. Chăn nuôi, định hướng mở rộng quy mô, độ đa dạng, tăng giá trị sản phẩm.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN, cho rằng ĐBSCL không thể “chống” lại xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng mà phải dựa trên các kịch bản dự báo khác nhau để lập quy hoạch một cách hiệu quả “ít hối tiếc” và “không hối tiếc”. Trong bối cảnh hiện nay, không nên quá kỳ vọng vào một quy hoạch hoàn hảo mà nên xây dựng một quy hoạch đủ tốt, có tính linh động, dễ điều chỉnh khi cần.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sau khi được phê duyệt quy hoạch này sẽ là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực cho ĐBSCL. Đây cũng là cơ sở để quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch đô thị…
Hiện các địa phương ĐBSCL đã đề xuất 13 dự án liên kết vùng, trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng mức đầu tư 26.731 tỉ đồng.
Bình luận (0)