Phát triển 'ngược' với xu thế?

26/08/2023 06:43 GMT+7

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác lập tại Quyết định số 2159 năm 2014 của UBND tỉnh Thái Bình với diện tích 12.500 ha nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước quý hiếm, có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, hồi tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã bất ngờ ban hành Quyết định 731 xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới chỉ còn 1.320 ha. Như vậy với Quyết định 731, Thái Bình đã thu hẹp, gần như "xóa sổ" Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước (KBTTN) Tiền Hải khi giảm đến 90% quy mô diện tích.

Vậy 11.050 ha còn lại của KBTTN Tiền Hải sẽ đi đâu ?

Được biết, Quyết định 731 là nhằm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh. Theo quyết định này, Khu kinh tế Thái Bình có quy mô trên 30.583 ha, gồm cả 3 xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, nơi có KBTTN Tiền Hải.

Đến ngày 21.8.2020, UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành - Cồn Thủ H.Tiền Hải. Theo đó, xác định phạm vi khu đô thị trên nằm ở địa bàn các xã Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh.

Từ các quyết định nối tiếp nhau như trên, không khó để có thể nhận ra rằng, hơn 11.000 ha còn lại của KBTTN Tiền Hải là quy hoạch dành cho Khu kinh tế Thái Bình và với ranh giới như trên, Khu kinh tế Thái Bình sẽ nằm bao quanh KBTTN Tiền Hải.

Mới đây nhất, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN-MT) đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ từ việc thu hẹp diện tích KBTTN Tiền Hải của UBND tỉnh Thái Bình. Theo đó, nguy cơ hiện hữu nhất là sẽ làm ảnh hưởng tới việc bảo tồn đa dạng sinh học và các sinh cảnh đất ngập nước tiêu biểu, làm mất đi mắt xích quan trọng trong đường bay của các loài chim di cư quý hiếm trên thế giới, gây suy giảm các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng và chống chịu trước các rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân ven biển, kinh tế - xã hội của địa phương.

Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP 26 diễn ra ở Anh, Việt Nam cùng nhiều nước trên thế giới cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện được cam kết này, các khu rừng, đặc biệt rừng ngập mặn được đánh giá là nơi hấp thụ và lưu giữ carbon tốt nhất. Vậy, nếu 90% diện tích KBTTN Tiền Hải bị xóa sổ để phục vụ cho phát triển kinh tế thì mục tiêu giảm phát thải trên liệu có hoàn thành ?

Sự việc trên đã làm dấy lên trong dư luận nhiều lo ngại, băn khoăn. Trong khi thế giới và cả Việt Nam đang nỗ lực tìm mọi cách để bảo tồn, phát triển thiên nhiên thì tỉnh Thái Bình lại đang đi ngược xu thế khi "xóa sổ" thiên nhiên để phát triển kinh tế đơn thuần.

Quyết định số 450/QĐ-TTg của Chính phủ về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp… Theo đó, nên chăng đã đến lúc phải đẩy mạnh giải pháp đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào đánh giá kết quả công tác của người đứng đầu, thay vì các chỉ tiêu khác ?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.