Phát triển xuất bản theo hướng công nghiệp văn hóa

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/07/2023 06:59 GMT+7

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định lĩnh vực xuất bản là một phần ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa.

Hài hòa chính trị và sản xuất kinh doanh

Ngày 12.7, Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra tại Hà Nội. Tham dự có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Phát biểu tại đại hội, ông Nghĩa nhắc tới nhiệm vụ của ngành xuất bản được Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ. Đó là nhiệm vụ sắp xếp ngành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Ngành cũng cần được sắp xếp khẩn trương, có trọng tâm trọng điểm là ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa.

Phát triển xuất bản theo hướng công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa (phải) tặng hoa ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản VN nhiệm kỳ 2023 - 2028

BTC cung cấp

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng nhắc tới nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định cho ngành xuất bản: "Giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, in và phát hành sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần khẳng định vị thế, vai trò là một trong những hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".

Từ đó, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, hội cần chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc. Hội tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21.4 hằng năm và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật trong lĩnh vực xuất bản và các hoạt động văn hóa, trong nước cũng như quốc tế...

Theo báo cáo tổng kết của Hội Xuất bản Việt Nam, trong những năm qua, lượng sách xuất bản đều tăng hằng năm. Hội cũng có những hoạt động thường niên như Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, Giải thưởng Sách quốc gia. Trong các năm 2018 - 2022, đã có 1.584 cuốn sách được gửi tham dự Giải thưởng Sách quốc gia. Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã tổ chức chấm, bầu chọn các tác phẩm đạt giải thưởng, được Bộ trưởng Bộ TT-TT ra quyết định công nhận: 14 tác phẩm đạt giải A, 55 tác phẩm đạt giải B, 70 tác phẩm đạt giải C…

Hội Xuất bản Việt Nam đặt 5 mục tiêu cho nhiệm kỳ vừa qua và cũng thực hiện tốt: phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; góp phần xây dựng nền xuất bản lành mạnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành xuất bản; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; xây dựng hội vững mạnh.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, hội cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa. "Con số doanh thu của toàn ngành xuất bản là gần 4.000 tỉ đồng, doanh thu phát hành sách là 4.500 tỉ đồng nói lên sự non yếu của ngành kinh tế xuất bản nước ta. Cả ngành xuất bản doanh thu xấp xỉ số doanh thu trên 4.000 tỉ đồng của một chuỗi hiệu thuốc Long Châu trong năm 2022", ông Lê Hoàng cho biết.

Con số này còn quá khiêm tốn nếu so với các nước trong khu vực gần Việt Nam. Doanh thu bán sách của Malaysia gấp 4 lần doanh thu của Việt Nam, của Thái Lan gấp 5 lần, của Hàn Quốc gấp 52 lần. Điều này là do người dân các nước có thói quen đọc nên sức mua sách lên cao. Tại Malaysia, Indonesia đều có tiết đọc sách dành cho học sinh, mỗi ngày 15 phút, được bố trí trong khung chương trình. Hàn Quốc hình thành được nền nếp cha mẹ đọc sách cùng con mỗi tuần ít nhất 3 lần, mỗi lần là 30 phút.

Phát triển xuất bản theo hướng công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tặng chữ ký cho độc giả. Những cuốn sách của ông được cả trẻ em và người lớn yêu thích

QUỲNH TRÂN

Thúc đẩy văn hóa đọc

Làm sao để thúc đẩy văn hóa đọc là vấn đề được nhiều người nhắc đi nhắc lại tại đại hội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Sách Thái Hà, đề xuất việc xây dựng cộng đồng đọc sách trực tuyến. Theo đó, phải tạo ra một môi trường kết nối giữa tác giả, nhà xuất bản và độc giả thông qua các diễn đàn, blog, mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác, đó cũng chính là cách thức làm tăng doanh thu cho phát hành sách", ông Hùng hiến kế.

Đại hội bầu ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản làm Chủ tịch Hội Xuất bản VN nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 37 người.

Hội Xuất bản VN cũng có một số đề nghị lớn sau đại hội. Thứ nhất, tăng mức chi cho Giải thưởng Sách quốc gia, vì đây là giải thưởng có tính chất quốc gia, đã khẳng định được sự cần thiết và uy tín trong thực tế, có ảnh hưởng tích cực trong khu vực. Cần có sự quan tâm, đánh giá khách quan, công bằng của cơ quan nhà nước giữa việc đầu tư, phân bổ kinh phí cho Giải Báo chí toàn quốc và Giải Sách quốc gia. Thứ hai, đề nghị có cơ chế phù hợp để hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định, giúp hội có thể tổ chức được bộ phận nhân sự giúp việc chuyên trách, theo hình thức hợp đồng lao động và chi phí thuê trụ sở làm việc của hội; Tăng cường đẩy mạnh việc giao nhiệm vụ cho hội theo cơ chế Đảng, Nhà nước đặt hàng, nhưng có quy trình, thủ tục đơn giản, hiệu quả, phù hợp với tổ chức bộ máy, năng lực của hội.

Bà Nguyễn Kim Thoa, CEO của Tân Việt Books, cho rằng cần thay đổi nhận thức về việc đọc sách từ gia đình, từ bố mẹ. "Cần tạo ra một chương trình lớn mang tầm quốc gia về hoạt động, cần phát động và hành động mỗi nhà một tủ sách, mỗi doanh nghiệp một tủ sách, để sách luôn hiện hữu trong mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp", bà Thoa nói.

Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, Hội Xuất bản Việt Nam, đưa ra sáng kiến các chuyên gia và nhà giáo dục cùng xây dựng một danh mục sách khuyến nghị để cha mẹ có thể chọn mua, chọn đọc trong gia đình.

Ông Lê Hoàng đề xuất thành lập một ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam, gồm nhà quản lý và chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến đọc, một số đoàn thể như thanh niên, phụ nữ, nông dân... Ủy ban này trực thuộc Chính phủ, do một Phó thủ tướng phụ trách, có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược phát triển toàn diện và cơ bản nền văn hóa đọc Việt Nam, xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển văn hóa đọc và tổ chức, đôn đốc, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, hội... liên quan tới đọc theo chiến lược và kế hoạch đã được nhà nước thông qua... 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.