Nguy cơ tàn phế nếu không được can thiệp
Người bệnh cho biết, cách đây khoảng 7 tháng, bà bị té ngã do tai nạn giao thông, đã được phẫu thuật kết hợp xương nhưng xương không lành nên rất lo sợ bị tàn phế. Bà bị đau nhức vùng đùi và đầu gối trái, cứng khớp gối, ngắn chân, lệch trục xương đùi trái, không thể tự đi lại. Cùng với đó, cổ tay trái của người bệnh cũng cứng khớp, không cầm nắm được, tê tay.
Ngày 12.1, BS.CKII Võ Phước Minh (Chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115) cho biết: qua thăm khám các kết quả cận lâm sàng cho thấy, người bệnh có vết gãy cũ trên lồi cầu xương đùi trái, biến chứng khớp giả do không liền xương sau phẫu thuật.
Trên tay trái, người bệnh bị gãy 2 xương cẳng tay đã được phẫu thuật kết hợp xương nẹp vít nhưng thiếu xương, có nguy cơ không liền xương. Nếu không được can thiệp, người bệnh có nguy cơ cao bị tàn phế.
Phẫu thuật kết hợp xương và ghép xương
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật kết hợp xương gãy trên lồi cầu xương đùi bằng nẹp vít khóa, kèm theo ghép xương xốp tự thân lấy từ mào chậu cho xương đùi và xương quay tay trái của người bệnh.
Theo BS.CKII Võ Phước Minh, ghép xương xốp kết hợp với kết hợp xương cố định trong là một lựa chọn trong điều trị chậm liền xương và khớp giả. Sau khi kết xương vững chắc bằng phương tiện kết hợp xương bên trong như đinh, nẹp vít… các bác sĩ sẽ trám xương xốp vào các khe giữa hai đầu xương. Với phương pháp này, hai đầu ổ khớp giả được giữ vững bằng phương tiện kết xương, còn xương xốp có vai trò giúp sinh xương và kích thích liền xương.
BS.CKII Võ Phước Minh thăm khám sức khỏe người bệnh sau phẫu thuật |
t.T |
Sau phẫu thuật, tình trạng người bệnh ổn định, hết vẹo đùi trái, hai chân bằng nhau. Người bệnh được tập vật lý trị liệu tại giường, sau đó được hướng dẫn đi lại với khung trợ giúp. Người bệnh đã được xuất viện trong tình trạng ổn định, không còn cứng khớp gối, tay đã có thể cầm nắm, giảm tê tay. Bác sĩ Minh cho biết người bệnh có thể đi lại bình thường sau 3-6 tháng.
Đừng bỏ lơ tái khám sau phẫu thuật
BS.CKII Võ Phước Minh cho biết, phẫu thuật kết hợp xương là phương pháp điều trị gãy xương bằng cách sử dụng các phương tiện cấy ghép hiện đại để cố định ổ gãy sau khi được nắn chỉnh về tư thế giải phẫu. Việc cố định vững chắc ổ gãy xương giúp bệnh nhân tập vận động phục hồi chức năng sớm, thúc đẩy xương liền nhanh và người bệnh sớm quay trở lại hoạt động sinh hoạt bình thường. Đây là phương pháp đang được áp dụng phổ biến hiện nay vì có hiệu quả cao, giúp người bệnh phục hồi sớm, nhanh chóng quay trở lại nhịp sống thường ngày.
Tuy nhiên, sau phẫu thuật kết hợp xương, bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng từ nhẹ đến nặng như đau, chảy máu hậu phẫu; tác dụng phụ do dùng thuốc hậu phẫu; nhiễm trùng; sưng phù sau mổ; các biến chứng tại chỗ như xương chậm liền, xương không liền, xương liền bị lệch, teo cơ, cứng khớp, hạn chế vận động…; biến chứng toàn thân như loét các điểm tỳ đè, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, tắc mạch máu do mỡ… do bệnh nhân nằm lâu, ít vận động sau phẫu thuật.
Trong đó, xương không liền hay khớp giả như trường hợp bệnh nhân M.T.B.H là một biến chứng tại chỗ, do những nguyên nhân sinh học và cơ học khác nhau. Tỷ lệ biến chứng khớp giả không cao, khoảng từ 2-5% ở các bệnh nhân sau gãy xương đã được điều trị mổ kết xương... nhưng nếu không điều trị thì người bệnh dễ bị tàn phế.
“Sau khi phẫu thuật kết hợp xương, người bệnh nên đặc biệt chú ý tuân thủ lịch tái khám, thông thường tái khám mỗi tháng một lần để các bác sĩ theo dõi tình trạng phục hồi xương. Đặc biệt, với những người bệnh phẫu thuật phức tạp, cần được các bác sĩ có chuyên khoa sâu tư vấn để tránh tình trạng không theo dõi được tiến triển sau phẫu thuật. Khi phát hiện sớm các biến chứng sau phẫu thuật, các bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh các nguy cơ tàn phế cho người bệnh”, BS.CKII Võ Phước Minh khuyến cáo.
Bình luận (0)