Phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” đã giúp chúng ta truy vết nhanh, xử lý thần tốc các ổ dịch và thành công trong việc khống chế các làn sóng dịch trước đây.
Tuy nhiên, làn sóng dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021) đang lan rộng tới 14 tỉnh thành, với hơn 120 ca bệnh đã bộc lộ rất nhiều kẽ hở từ hệ thống “gác cổng” cấp cơ sở, và nó khiến chúng ta đang phải trả giá.
Ổ dịch Hà Nam hay Vĩnh Phúc và ngay cả ổ dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đều cho thấy “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” dường như chưa được thực hiện một cách triệt để và hiệu quả.
Nếu thực sự y tế cơ sở của Hà Nam làm tốt việc quản lý cá nhân người hoàn thành cách ly được bàn giao về địa phương theo quy định thì bệnh nhân 2899 không thể vi phạm quy định, tiếp xúc thiếu kiểm soát, gây ra ổ dịch 15 người và đang còn tiếp tục lây lan.
Nếu Trung tâm y tế Yên Bái thực hiện đúng quy trình công tác đã không để xảy ra việc 2 người Trung Quốc gieo rắc dịch ra cộng đồng đáng lo ngại như hiện nay. Nếu công an khu vực ở các địa phương thực hiện “gõ từng nhà, rà từng người” đã không để xảy ra việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép đi lang thang khắp nơi, đe dọa an ninh, an toàn. Cảnh truy đuổi người Trung Quốc nhập cảnh trái phép ở Vĩnh Phúc, hay hàng chục người Trung Quốc cố thủ trong nhà, thách thức sự kiểm tra của cơ quan chức năng ở Hà Nội thật trớ trêu.
Đúng là “thả gà ra đuổi”. Con số gần 1.500 người nhập cảnh trái phép bị phát hiện ở khu vực cửa khẩu có vẻ chỉ là tảng băng nổi, phần chìm đã ẩn náu trong nội địa đang cần các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm quản lý địa bàn, hơn là hô khẩu hiệu suông. Kết quả phòng chống dịch rõ ràng không nằm trên các bản báo cáo thành tích.
Theo Quyết định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống, dịch Covid-19, mỗi cấp cơ sở đều thành lập Tổ an toàn Covid-19 với sự tham gia của đại diện các cơ quan chuyên môn và đoàn thể địa phương, nhưng dường như tổ cũng chỉ thành lập cho có, không thực sự hoạt động.
Còn rất nhiều tình huống “giá như” có thể được kể ra về việc lơ là, chủ quan, không chấp hành các quy định pháp luật (chứ chưa nói đến thực hiện những quan điểm chỉ đạo mang tính kim chỉ nam về phòng chống dịch, kiểu như “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”) của các cấp chính quyền cơ sở. Thái độ của bộ máy chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở đương nhiên sẽ quyết định ứng xử của xã hội đối với dịch bệnh. Thế nên đừng chỉ vội trách người dân chủ quan với dịch bệnh.
Bình luận (0)