Không để doanh nghiệp đơn độc

06/05/2021 04:57 GMT+7

Câu chuyện gạo ST25- gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam bị “ăn cắp” thương hiệu ở nước ngoài một lần nữa báo động chúng ta phải thay đổi cách thức bán hàng ra thị trường quốc tế nếu không muốn tiếp tục đối diện các vụ tương tự thế này.

Bởi là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhiều thập niên qua nhưng có thể nói, đến tận bây giờ chúng ta "hời hợt" với tất cả các quy trình cơ bản, từ xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ bản quyền... dù đã hội nhập khá sâu rộng với các nền kinh tế trên toàn cầu.
Một khảo sát năm 2016 cho thấy 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu phải "mượn danh", nghĩa là bán dưới nhãn hiệu của nước ngoài. Tại thời điểm đó, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan đều mạnh mẽ nói rằng cần xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý khi xuất khẩu... Nếu không, chúng ta sẽ mãi không thể chính danh đi ra thế giới.
Nhưng đã hơn 5 năm trôi qua, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng hầu hết nông sản của chúng ta vẫn phải "mặc áo người khác" khi bán qua các nước. Chỉ có điều "mượn danh" ở thời điểm này đáng trách và thiệt hại lớn hơn trước rất nhiều. Vì sao nói đáng trách hơn, xin quay ngược về quá khứ. Lý do chính khiến chúng phải không thể gắn thương hiệu của mình vì hầu hết các nông sản từ tiêu, điều, gạo, cà phê... đều xuất thô. Nhà nhập khẩu mua nguyên liệu về chế biến rồi bán thành phẩm dưới nhãn hiệu của họ. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Nutifood, từng trăn trở trước nghịch lý sản lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị thu về rất nhỏ của nông sản Việt Nam. Điển hình như cà phê, dù chiếm 20% thị phần thế giới nhưng giá trị chúng ta thu về chỉ đạt khoảng 2% do xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô. Đây cũng là một trong những lý do khiến "ông chủ sữa" rẽ trái sang cà phê với thương hiệu Ông Bầu đình đám suốt hơn một năm qua. Xuất thô, tất nhiên là "ăn ít", đó là lý do nông dân của nước sản xuất - xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới vẫn nghèo. Nói đáng trách là thực trạng này tồn tại suốt mấy thập niên qua, năm nào cũng có vài đợt giải cứu, năm nào cũng hội nghị hội thảo, cũng đặt ra quy hoạch trồng cây gì - nuôi con gì, xây dựng ngành công nghiệp chế biến thế nào... nhưng bàn xong lại để đó. Nông sản Việt Nam, đến thời điểm hiện tại đa số vẫn xuất thô, "mượn danh". Ngay cả với một số không nhiều loại đã được chế biến, chất lượng tốt cũng vẫn phải "mượn danh" khi ra nước ngoài. Vì bán với thương hiệu của ta thì chẳng ai biết, chẳng ai mua.
Vẫn biết xây dựng thương hiệu là việc của doanh nghiệp nhưng xây dựng thương hiệu Việt để nhắc đến nó người ta nhớ ngay tới Việt Nam, như Daewoo của Hàn Quốc, Toyota của Nhật Bản... thì không thể thiếu sự hỗ trợ của nhà nước. Câu chuyện Hàn Quốc là bài học có thể tham khảo. Năm 2009 với tham vọng trở thành điểm du lịch chữa bệnh hàng đầu trong khu vực, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một loạt các chính sách từ cấp visa riêng cho những đối tượng đến nước này trị bệnh theo tour và đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh; cấp visa y tế dài hạn cho bệnh nhân nước ngoài cùng gia đình và cho phép đổi khi hết hạn. Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng thông qua các cửa hàng tại sân bay hoặc qua các kênh truyền thông nước ngoài để quảng bá về các dịch vụ du lịch y tế thuận tiện, giúp người bệnh chăm sóc sức khỏe trong suốt chuyến đi... Nhờ thế, Hàn Quốc dù đi sau Thái Lan, Singapore về du lịch chữa bệnh nhưng vẫn thành công.
Đừng để doanh nghiệp đơn độc khi ra biển lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.