Tuy nhiên, do đang có sự chuyển dịch cơ cấu nhân lực giữa các hãng hàng không, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao như phi công, nhân viên kỹ thuật, khiến hoạt động khai thác của các hãng có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến chậm, hủy chuyến.
Do đó, để đảm bảo an toàn hàng không, Cục Hàng không đã và đang giám sát để đảm bảo nguồn lực hiện có của các hãng, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn hàng không khi thực hiện các chuyến bay.
Bộ GTVT đề xuất cần khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức đào tạo huấn luyện nhân viên kỹ thuật và phi công, nhằm tạo ra nguồn cung ứng nhân lực cho ngành hàng không. Xây dựng cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn lực phi công người VN bên cạnh việc xây dựng cơ chế quản lý nguồn lực phi công nước ngoài, đáp ứng hoạt động khai thác tại VN được đúng luật, đảm bảo an toàn và ổn định.
Trước đó, báo cáo lên Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết hiện các cơ sở đào tạo phi công của VN vẫn chưa đủ điều kiện để đào tạo độc lập, phải hợp tác với cơ sở đào tạo nước ngoài. Dự kiến, các hãng hàng không năm 2020 sẽ thiếu 14 phi công và 336 nhân viên kỹ thuật. Đến năm 2021 thiếu 258 phi công và 628 kỹ thuật viên. Năm 2025, ngành hàng không cần bổ sung thêm 1.225 phi công và 1.728 nhân viên kỹ thuật.
Nhân lực giám sát của Cục Hàng không cũng chưa đáp ứng được yêu cầu trước tăng trưởng nhanh chóng của các hãng hàng không hiện nay. Năm 2025, Cục Hàng không cần bổ sung thêm khoảng 100 giám sát viên an toàn, trong khi hằng năm Cục đang phải thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương chung. Thậm chí, một số nhân sự giỏi chuyển sang các hãng hàng không do có chế độ đãi ngộ tốt hơn.
Bình luận (0)