Phi dưa món bất thành tết

23/01/2023 11:46 GMT+7

Đón tết, dù đang loay hoay với các thứ bánh trái tôm cá thịt thà, lâu lâu mẹ vẫn chạy ra sân trở cái đám dưa món đang phơi trước hàng hiên.

Cuối tháng chạp. Nắng vàng nhưng kém tươi vì cái lạnh tàn đông vẫn còn đâu đó trong những rặng tre. Mẹ nói dưa phơi chỉ cần 2 nắng cho heo héo thôi. Nhưng rồi mẹ phải sấy vì nắng yếu quá. Làm biếng sấy thì cũng có hũ dưa món ăn tết nhưng sẽ thiếu đậm đà, ăn thấy dai, mềm, sừn sựt, không ngon lành gì. Phải giòn rụm thì mới đúng là dưa món tết.

Dưa món kết nối hương vị các món ăn trong bữa cơm ngày tết

TRẦN CAO DUYÊN

Sấy dưa món cũng mất công lắm. Một trã lửa than dưới lớp tro mỏng. Quây xung quanh trã lửa là tấm cót đan bằng tre. Phía trên gác lên vài thanh củi đỡ lấy nia dưa món. Những hai “nhân công” trực vụ này: tôi và chị, nhưng chị là chủ yếu. Tôi chỉ đứng xớ rớ cho có vì đang gửi lòng vào góc bếp, nơi mẹ đang đổ bánh thuẫn.

Tôi hồi đó, một thằng nhóc vừa giã từ lớp ba, từng định nghĩa: tết là... bánh. Tôi không hiểu tại sao mẹ và chị lại lui cui đi phơi củ cải, củ kiệu và linh tinh mấy thứ khác. Gặp mưa mây bất ngờ là bỏ, làm nhả dưa khác. Tôi cũng nhớ có những bữa cơm mẹ phải đi lấy thêm dưa món. Tôi mấy lần ăn thử nhưng không thấy ngon. Người lớn thật nhiễu sự. Cứ cơm canh cá thịt có phải hơn không? Việc gì phải tưng tiu cái hũ dưa món. Cả nhà ai cũng ca ngợi dưa món, rằng có dưa món thì tết mới đậm đà. Còn ông nội thì nói một câu chắc như đinh đóng cột: “Phi dưa món bất thành tết”.

Chị nói dưa héo rồi mẹ. Mẹ săm soi từng thứ một: củ kiệu, củ cải, củ hành, cà rốt, đu đủ... rồi nói “được”. Mấy tiếng sau, chị đã lùa đám dưa món vô cái thẩu thủy tinh chứa nước mắm đường. Vài cái tết tuổi nhỏ đi qua như thế…

Nhớ cái đận gần tết năm tôi học lớp 9. Đi chơi khuya về, đang tuổi ăn tuổi ngủ (nghĩa là... ăn rồi mới ngủ), tôi xuống bếp. Cơm nguội thì một trời bao la nhưng hết đồ ăn. Ngó nghiêng thấy hũ dưa món, tôi thầm reo “cứu tinh là đây chứ đâu”. Dưa món chưa ngon, còn hăng hăng mùi nhựa tươi, nhưng đưa cơm thì cũng tạm ổn. Chị phát hiện la lên, úi ba mẹ ơi, hũ dưa dầm mới ngày rưỡi, chưa chua mà thằng cu nó ăn ẩu rồi. Mẹ nói mà con mắt rất vui: “Cả nhà ai cũng ưa dưa món là... đoàn kết lắm”. Ba thì cười cười, vậy là nó khôn lớn rồi đó, ăn dưa món nó mới biết ơn củ cải củ kiệu củ hành âm thầm lớn trên đất quê mình chớ. Tối đó tôi nằm nghĩ vẩn vơ: “Được ăn cơm nguội với dưa món chưa chua, coi như mình đã thò một chân vào tết”.

Dưa món là thức ăn thường ngày. Nhưng để gọi là “dưa món ngày tết” thì phải có át chủ bài là củ kiệu. Tháng chạp là mùa nông dân rộn ràng thu hoạch củ kiệu. Củ kiệu theo xe kìn kìn đi khắp chợ gần chợ xa, miền xuôi miền ngược. Cả nhà tôi xúm xít bên nhau cắt ngọn, gọt rễ, lột vỏ củ kiệu; vừa làm vừa râm ran bao nhiêu dự định trong năm mới. Củ kiệu là hồn cốt của dưa món, củ kiệu gợi lên hơi xuân khí tết chan hòa. Vậy nên trong đĩa dưa món, có lẽ củ kiệu là... tết nhất. Cắt bánh chưng, bánh tét ăn kèm với dưa món đậm vị mặn ngọt mới đã. Nếp dẻo mềm, thịt mỡ béo ngậy thì đã có dưa món mặn mà giòn ngọt thanh tao quân bình ngay. Muốn thoảng vị chua cay thì thêm mấy giọt chanh và vài lát ớt.

Ngoài câu “Phi dưa món bất thành tết”, ông nội còn tổng kết: Trong đĩa dưa món có đủ hương sắc mùi vị cuộc đời. Nói cho “hoành tráng” là dưa món luôn hoàn thành sứ mệnh của mình: Kết nối và hài hòa hương vị các món ăn trong bữa cơm xuân, tiệc tùng ngày tết. Không phải ngẫu nhiên mà ba hay “cà khịa” con gái: Về nhà chồng mà không làm được dưa món tết thì có nguy cơ bị trả lại cho... đơn vị gốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.