Quản lý, khống chế cơn sốt giá đất cũng trở thành vấn đề nóng trên bàn nghị sự thời gian qua.
Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh dân sinh, cơn sốt giá đất đang làm thay đổi trật tự xã hội, cấu trúc nghề nghiệp và phương thức sống của cư dân các vùng quê vốn được xem là bình yên và ổn định.
Bây giờ về các vùng quê đang là điểm nóng của sốt giá đất như vùng ven Đăk Nông, Đồng Nai, Lâm Đồng, Gia Lai hay Khánh Hòa... sẽ nhận ra đất thu hút mọi sự quan tâm, là chủ đề chính trong các câu chuyện. Sốt giá đất thay đổi nhanh bộ mặt nông thôn, biến cánh đồng, đồi núi thành những lô thửa được rào chắn, sinh kế người dân cũng theo đó mà thay đổi.
Sốt giá đất đem lại giấc mơ thoát nghèo cho nhiều nông dân sau một đêm, nhưng sự bùng phát tùy tiện của nó không đem lại một tương lai thoát nghèo bền vững. Nhiều người dân nắm trong tay tiền tỉ nhờ phần đất thừa kế của gia đình, nhưng số tiền ấy không chảy vào giáo dục hay phát triển mà mau chóng thất thoát, bốc hơi do thiếu sự trang bị trong quản lý tiền bạc, thiếu sự chuẩn bị nghề nghiệp thay đổi, nhiều trường hợp vướng vào những cuộc tranh chấp và rạn nứt khó hóa giải giữa những người chung huyết thống.
Cơn sốt giá đất đang tác động tới cơ cấu việc làm không chỉ của người nông dân bình thường mà còn tác động tới năng lượng cống hiến cho xã hội của cán bộ, công chức, viên chức... Nhiều cán bộ, trí thức đã không coi việc công là việc chính mà chuyển nghề buôn bán, lướt sóng, môi giới (cò) đất với mong muốn nhanh chóng làm giàu.
Tâm lý chạy theo “huyết áp đất đai” chi phối đến mục đích đời sống của một thế hệ trẻ ở nông thôn. Con cái của nhiều gia đình đã rơi vào vòng xoáy đua đòi, thậm chí bỏ bê việc học hành bởi ỷ lại vào tiền bạc mà mảnh vườn, thửa đất gia đình cho kế thừa. Nhiều cuộc tan vỡ gia đình liên quan đất đai xảy ra khi tiền bạc từ đất đai thổi bùng sự thực dụng, tham lam và bất chấp nơi con người.
Chưa hết, hệ sinh thái cũng đang phải trả giá từng ngày cho cơn sốt giá đất tàn nhẫn quét qua các vùng đồi núi, thôn quê. Không chỉ đất đai nông nghiệp mà nhiều cánh rừng ở cao nguyên đứng trước nguy cơ bị gặm mòn, xóa sổ bởi sự xâm lấn, khai thác một cách tùy tiện. Những vụ xử lý phá rừng nguyên sinh, đồi thông ở các tỉnh Tây nguyên gần đây thường được phát hiện khi cây đã đổ, đồi đã trọc... Việc xử lý trách nhiệm lẻ tẻ đã không đủ răn đe và hứa hẹn chặn đứng các cuộc bức hại thiên nhiên để thỏa mãn lòng tham.
Tác động của cơn sốt giá đất không chỉ gây ra ở thôn quê mà đang xâm nhiễm vào các thành phố lớn, khi mà nhà nhà, người người đua nhau đi đầu tư đất đai. Nguồn tiền trong dân đổ vào bất động sản, sống trên tài nguyên đất với những cuộc đua giá bất chấp thì những cứu cánh khác trong đời sống xã hội dễ bị xem nhẹ, các mục tiêu làm giàu đời sống tinh thần như sáng tạo, văn hóa... có thể bị “hy sinh” một cách dễ dàng.
Tâm lý xã hội đang chịu tác động, thậm chí đảo lộn trong cơn cuồng lốc của bất động sản. Bản lĩnh để giữ mình, giữ các giá trị sống bền vững lúc này là vấn đề của các cá nhân, gia đình. Nhưng đặt trong một viễn kiến tương lai, còn cần ở khả năng kiểm soát, điều hành kinh tế các địa phương và giới làm chính sách để không xảy ra tình trạng khi cơn sốt chóng vánh đi qua là một cuộc khủng hoảng về dân sinh khó bề cứu chữa.
Bình luận (0)