Chuyện 2 sở ở TP.HCM có “chệch choạc” trong việc cử cán bộ quản lý có trách nhiệm đến dự buổi giám sát của HĐND TP về công tác phòng chống Covid-19 và hỗ trợ người dân có khiến các bên liên quan suy nghĩ nghiêm túc hơn về chức năng giám sát của HĐND với chính quyền?
Về nguyên tắc, các cơ quan thuộc nhánh lập pháp trong bộ máy nhà nước sử dụng công cụ “giám sát” để đảm bảo việc thực thi “ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân” như đã nêu trong điều 1 của luật Tổ chức HĐND và UBND. Nhưng liệu công tác giám sát ấy có rơi vào hình thức?
Trước hết, hoạt động giám sát chắc chắn sẽ phải dựa trên thông tin báo cáo theo yêu cầu của HĐND đối với cơ quan chấp hành giám sát. Nhưng thực tế được phản ánh không chỉ trong vụ “chệch choạc” vừa qua của 2 sở ở TP.HCM mà còn ở không ít trường hợp khác cho thấy, báo cáo đã không được chuẩn bị nghiêm túc và hợp pháp, chí ít là trên phương diện thủ tục hành chính. Đoàn giám sát phải làm việc với bản dự thảo của báo cáo thì về nguyên tắc là không phù hợp về thủ tục. Tự điều đó đã là khía cạnh “không hợp pháp” để tiến hành chương trình giám sát. Nếu đoàn giám sát chấp nhận tiến hành hoạt động giám sát trong trường hợp đó thì cái sai không chỉ thuộc về cơ quan chấp hành giám sát.
Bài học pháp lý nên được rút ra ở đây là không nên để xảy ra bất cứ trường hợp nào đoàn giám sát phải làm việc với bản dự thảo báo cáo, kể cả tình trạng báo cáo được đóng dấu vào phút chót. Báo cáo chính thức phải được đoàn giám sát tiếp cận “một cách hợp pháp” đủ sớm để đánh giá chất lượng thông tin và các vấn đề liên quan cần làm sáng tỏ trong chương trình giám sát.
Vấn đề thứ hai là cơ quan chấp hành giám sát sẽ cử ai, ở cấp quản lý nào của cơ quan để tham dự các buổi làm việc giám sát. Về nguyên tắc, nếu thủ trưởng đơn vị không tham dự được chương trình làm việc giám sát thì có thể cử cán bộ quản lý cấp dưới thay mặt tham dự, nhưng nên có thủ tục ủy quyền bằng văn bản để xác nhận trách nhiệm trước đoàn giám sát, đồng thời tăng cường ý thức tuân thủ đối với cán bộ được ủy quyền, tránh những “chệch choạc” kiểu đến trễ giờ. Cũng nên bổ sung các quy định cần thiết để xác định trường hợp nào thì được cử cán bộ quản lý cấp phòng ban dự thay lãnh đạo đơn vị.
Đây không đơn giản chỉ là vấn đề “chệch choạc” liên quan đến cảm xúc “không tôn trọng đoàn giám sát”. Cần đủ tầm nhìn để nhận ra vấn đề lớn hơn về mối quan hệ giữa lập pháp với hành pháp, về sự thực thi “ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”. Nhất là, trong những chủ đề giám sát “nóng bỏng” như phòng chống đại dịch, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch thì càng không thể để xảy ra sự “chệch choạc” như vừa qua. Đó chính là trách nhiệm đối với nhân dân.
Bình luận (0)