Phiếu tính tiền của farmstay Nẫu Ecovalley tại 'cổng trời' An Toàn giá 'trên trời'?

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
05/05/2022 11:48 GMT+7

Ngày 4.5, cộng đồng mạng xã hội xôn xao về 2 phiếu tính tiền dịch vụ ăn uống được cho là có giá 'trên trời' tại một farmstay ở 'cổng trời' An Toàn (thuộc xã An Toàn, H.An Lão, Bình Định).

Hai phiếu tính tiền này được một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook tên T.T.N.L (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ.

Giá cao gấp 2 - 3 lần so với thành phố

Theo 2 phiếu tính tiền được cho là đang gây “sốc” trên mạng xã hội, đoàn khách 17 người (gồm 15 người lớn và 2 trẻ em) đến farmstay, dùng cà phê, bia, rượu cần, cơm, thức ăn… từ sáng đến trưa 2.5. Trong đó, 1 phiếu có tổng tiền là 5.485.000 đồng và phiếu còn lại là 8.005.000 đồng.

Trong các phiếu tính tiền, cà phê đen được tính với giá 40.000 đồng/ly, cà phê sữa 45.000 đồng/ly, bia Heineken bạc 50.000 đồng/lon, bia Quy Nhơn 25.000 đồng/chai, nước ngọt Coca Cola 35.000 đồng/lon, cơm trưa 100.000 đồng/dĩa… Giá phòng đôi để nghỉ là 890.000 đồng.

Hai phiếu tính tiền được chia sẻ trên mạng xã hội

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Thông tin này thu hút rất nhiều lượt like, chia sẻ, bình luận… Nhiều người bình luận lên án chủ farmstay vì cho rằng giá cả nói trên là “chặt chém” tiền của khách, giá trên trời, giá ăn uống so với TP.Quy Nhơn cao từ 2 - 3 lần, “bán trên núi mà tính tiền kiểu miền Nam, sợ còn đắt hơn cả Sài Gòn”…

Một số người kêu gọi chủ farmstay nên xem lại giá cả, cách quản lý để phát triển tốt hơn. Cũng có ý kiến cho rằng do An Toàn là xã vùng cao, đường đi rất xa và khó khăn nên giá cả như vậy có thể thông cảm được…

Có gửi niêm yết giá cho khách hàng

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, farmstay bị tố tính giá dịch vụ "trên trời" nói trên là Nẫu Ecovalley (ở thôn 1, xã An Toàn), thuộc Hợp tác xã Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn, hoạt động đón khách từ đầu năm 2022 đến nay.

Ông Tạ Quang Tân, quản lý dịch vụ khách hàng và tài chính của Hợp tác xã Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn, xác nhận 2 hóa đơn đang được chia sẻ trên mạng xã hội là do farmstay Nẫu Ecovalley tính tiền cho đoàn khách 17 người vào ngày 2.5.

Theo ông Tân, Nẫu Ecovalley có niêm yết bảng giá rõ ràng đối với các dịch vụ tham quan, ăn uống và nghỉ dưỡng và đều gửi đến tất cả khách hàng. Trong dịp nghỉ lễ 30.4 và 1.5 vừa qua, Nẫu Ecovalley giữ đúng giá đã thông báo, niêm yết gửi cho khách trước khi đến sử dụng dịch vụ.

Giải thích về giá cả được nhiều người cho là cao so với đồng bằng, ông Tân cho rằng Nẫu Ecovalley là mô hình trang trại dược liệu kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng. Theo nhu cầu của khách, Hợp tác xã Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn có thêm các dịch vụ ăn uống kèm theo. Tuy nhiên, để mang tất cả các thực phẩm và sản phẩm lên tới Nẫu Ecovalley phải đi 40 km đường rừng, đồi dốc khá cao. Vì vậy, chi phí vận chuyển hàng hóa lên Nẫu Ecovalley với xe tải là từ 2,5 - 3 triệu đồng/chuyến, xe máy từ 450.000 - 500.000 đồng/chuyến.

Hơn nữa, các thực phẩm tại Nẫu Ecovalley là thực phẩm sạch và hữu cơ, do bà con đồng bào thu hái từ núi cao mang về. Những món ăn tại đây đều được chế biến với các loại dược liệu (đẳng sâm, đương quy, táo đỏ, kỷ tử...) để nâng cao sức khỏe người dùng.

Hoạt động trồng dược liệu tại xã An Toàn

Đức Tiến

"Nẫu Ecovalley không phải là một khu du lịch thị trường mà là một trang trại trồng và bảo tồn dược liệu. Trang trại sử dụng số phòng trống ít ỏi vốn dành cho các nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư, nhân viên... để phục vụ cho những khách tham quan có nhu cầu ở lại. Để phục vụ khách đến tham quan, trang trại phải chi trả các chi phí quản lý, bảo trì, điện, nước, dọn dẹp, nấu ăn, giặt giũ, thay ga mền... cao hơn so với giá ở đồng bằng. Giá cả của chúng tôi còn bao gồm cả phí phục vụ và trả lương cho những nhân viên phải lên sống và làm việc tại một thôn giữa rừng, đến internet và sóng điện thoại còn không ổn định vào những ngày thời tiết xấu”, ông Tân nói.

Các cơ quan chức năng sẽ xác minh

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó chủ tịch UBND H.An Lão, Nẫu Ecovalley hoạt động tự phát, chưa có đăng ký hoạt động farmstay nên các cơ quan chức năng chưa cấp phép hoạt động kinh doanh lưu trú, ăn uống... Còn HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn đăng ký trồng và bảo tồn dược liệu, do một nhóm dược sĩ tổ chức thực hiện, quản lý, kết nối với người dân bản địa phát triển rừng dược liệu An Toàn, xây dựng sản phẩm OCOP cho địa phương.

An Toàn là xã vùng cao, được mệnh danh là "cổng trời"

ĐỨC TIẾN

Thời gian gần đây, HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn tận dụng phòng trống để phục vụ khách lưu trú. Do An Toàn là xã vùng cao, không có nhà hàng, quán xá nên các công nhân trồng dược liệu thực hiện nấu ăn, phục vụ đồ uống mỗi khi khách lưu trú có nhu cầu chứ không phục vụ hay kinh doanh ăn, uống thường xuyên. Từ đầu năm đến nay có nhiều đoàn đến lưu trú nhưng đến nay chỉ có 1 đoàn phản ánh giá bán các mặt hàng tại Nẫu Ecovalley cao.

“Sau khi có thông tin phản ánh trên các trang mạng xã hội về hoạt động kinh doanh dịch vụ tại Nẫu Ecovalley, UBND H.An Lão đã giao Phòng Kinh tế hạ tầng chủ trì, cùng các cơ quan liên quan như Phòng Tài chính, Phòng Văn hóa thông tin, Chủ tịch UBND xã An Toàn kiểm tra, xác minh vụ việc, đề xuất hướng xử lý nếu có vi phạm hoặc nhắc nhở để phục vụ tốt hơn”, ông Đỗ Tùng Lâm nói.

Thắng cảnh tại xã An Toàn

Đức tiến

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, giá cả các món ăn, cà phê… được phản ánh trên hóa đơn như vậy so với vị trí địa lý của xã An Toàn thì không cao lắm, có thể chấp nhận được. Nhưng các loại bia bán với giá như đã ghi trong hóa đơn là cao.

Ông Trần Đức Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Định, cho biết đã đọc các thông tin phản ánh sự việc tại Nẫu Ecovalley. Trong ngày 5.5, Cục trưởng Cục QLTT Bình Định sẽ liên lạc với UBND H.An Lão và các bên để nắm tình hình, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành kiểm tra để xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.