Philippines, Indonesia 'chạy đua' giá gạo

Chí Nhân
Chí Nhân
08/08/2023 18:33 GMT+7

Nhập khẩu gạo của Philippines giảm mạnh trong tháng 7 do giá gạo tăng cao khiến lượng gạo dự trữ hiện chỉ còn 39 ngày thay vì tiêu chuẩn là 60 ngày. Trong khi đó, Indonesia chuẩn bị thêm 500.000 ha đất để trồng lúa nhằm tự chủ an ninh lương thực.

Philippines kho dự trữ thiếu hụt

Theo Cục Công nghiệp thực vật Philippines (BPI), nhập khẩu gạo trong tháng 7 chỉ đạt 116.200 tấn, giảm đến 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, giá gạo tăng cao, so với cùng kỳ năm trước giá gạo 5% tấm đã tăng tới 100 USD/tấn. Tính chung 7 tháng, lượng gạo đã nhập là 1,96 triệu tấn, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Philippines, Indonesia 'chạy đua' với El Nino và giá gạo tăng cao - Ảnh 1.

Các nước "chạy đua" dự trữ gạo để đảm bảo an ninh lương thực

CHÍ NHÂN

Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines, chiếm 1,75 triệu tấn, tương đương 89,68% tổng lượng nhập khẩu. Kế đến là Myanmar với sản lượng 83.460 tấn và Thái Lan 76.287 tấn.

Các quan chức chính phủ Philippines cho biết, lượng gạo dự trữ hiện chỉ đủ dùng trong 39 ngày thay vì 60 ngày như trước kia. Trong giai đoạn tháng 8 và 9, nguồn cung gạo nội địa đang thấp do cuối vụ thu hoạch. Chính phủ khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tăng cường nhập khẩu gạo và các doanh nghiệp này đang có hợp đồng đăng ký nhập khẩu hơn 1,3 triệu tấn. Tuy nhiên, giá gạo đang rất cao là thách thức và rủi ro rất lớn.

Bên cạnh tác động tiêu cực của những cơn bão, Philippines cũng đang phải chuẩn bị cho tình trạng khô hạn sắp tới do hiện tượng thời tiết El Nino.

Theo Reuters, để giải quyết bài toán giá cả và an ninh lương thực, Bộ trưởng Tài chính Benjamin Diokno đang xem xét khả năng gia hạn giảm thuế nhập khẩu đối với gạo và các mặt hàng khác sau năm 2023 để giảm bớt áp lực lên lạm phát.

Indonesia trồng thêm lúa trên 500.000 ha

Trong khi đó, chính phủ Indonesia, đang chuẩn bị 500.000 ha đất nông nghiệp để sản xuất lúa gạo trước hạn hán kéo dài do hiện tượng khí hậu El Nino gây ra. Các khu vực sản xuất lúa được chuẩn bị bao gồm bắc và nam Sumatra, ba khu vực ở Java và nam Sulawesi, các vùng đệm ở nam Kalimantan, Banten và Lampung.

Theo tính toán, năm 2023, lượng gạo dự trữ của Indonesia thiếu hụt từ 300.000 tấn đến 1,2 triệu tấn. Với việc tăng thêm 500.000 ha sản xuất lúa, sản lượng thu hoạch thêm ước đạt 3 triệu tấn lúa, tương đương 1,5 triệu tấn gạo. Đến tháng 9.2023, lượng gạo dự trữ của Chính phủ Indonesia vẫn còn 2,7 triệu tấn. Với những chiến lược như hiện tại, chính phủ nước này lạc quan về khả năng kiểm soát tác động của El Nino.

Trước đây, năm 1990 Indonesia có dự án Mega Rice nhằm biến 1 triệu ha đất thành ruộng lúa. Mười năm sau đó, năm 2020 nước này lại có dự án bất động sản thực phẩm trên diện tích 700.000 ha. Tuy nhiên, các dự án này đều không đạt thành công như mong đợi do điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng không thuận lợi. Chính vì vậy, năm 2022, Indonesia phải quay trở lại nhập khẩu gạo để ứng phó với an ninh lương thực quốc gia và kềm chế lạm phát.

Trong khi đó, mưa lũ nghiêm trọng chưa từng thấy cũng đang gây thiệt hại nặng ở các tỉnh đông bắc của Trung Quốc. Đây là khu vực sản xuất lương thực lớn của nước này với khoảng 1/5 sản lượng. Các ước tính ban đầu cho rằng, sản lượng lương thực của khu vực này sẽ giảm khoảng 9% so với bình thường vì đợt mưa lũ hiện nay.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, Indonesia là khách hàng nhập khẩu gạo đứng hàng thứ 3 với sản lượng gần 493.000 tấn, tăng 15 lần về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Trung Quốc đứng thứ 2 với 677.000 tấn tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022. Dẫn đầu là Philippines với 1,7 triệu tấn, tăng 7%.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.