Gây cười nhưng kém duyên
Một loạt web-drama hài đang được tung ra trong thời điểm này như: Gia đình Cục Súc, Bí mật 69, Mẹ chồng nàng dâu, Cô giáo tôi là trùm cuối, Phố Hoa kiều - Chuyện xóm đào, Tương sinh tương khắc... Đa số không được đánh giá cao vì nội dung nhạt, nhiều tình tiết gây cười kém duyên.
Bên cạnh sự hài hước, quăng mảng miếng để gây cười của các diễn viên, web-drama này cũng dễ lộ ra những chi tiết “làm quá” kèm theo những lời thoại nhuốm màu thô tục khiến nhiều khán giả khó chịu. Phim có đề tài về cuộc sống của người lao động trong xóm nghèo từng được khai thác nhiều trong các web-drama khác như Bố già của Trấn Thành, Chuyện xóm tui (2 phần, phát vào đầu năm nay) của Thu Trang... nhận được cảm tình của khán giả vì dung lượng hài có tiết chế, tình huống câu chuyện sâu sắc, cảm động. Thế nhưng, với nhiều phim tiếp tục chọn lựa đề tài này, trong đó có Gia đình Cục Súc thì lại quá “tự nhiên chủ nghĩa”, phô bày tiếng cười ở những chuyện nhạy cảm như chọc đùa giới tính, giả gái, chuyện phòng the... dẫn đến cảm giác phản cảm cho khán giả.
Diễn viên Huy Khánh cũng vừa cho ra mắt web-drama Bí mật 69 (hiện phát được 2 tập trên YouTube). Phim xoay quanh ông bố đơn thân Khánh (Huy Khánh) vì nuôi con nên bất chấp làm đủ thứ nghề, bị giang hồ rượt đuổi, thậm chí chấp nhận bán thân với tâm niệm “hy sinh đời bố củng cố đời con”... Dù có câu chuyện tâm lý cảm động về tình cha con, nhưng phần mở đầu với diễn xuất của Mạc Văn Khoa, Hoàng Mèo, Tân Trề cũng bị cho là kém duyên khi diễn viên nhại giọng người bị tật cà lăm và diễn hài ngôn ngữ “trong tục có thanh, trong thanh có tục”, vẫn có nhân vật nam giả gái để chọc cười… Nếu hạn chế những tình tiết làm lố, các tập phim sau có lẽ vẫn sẽ được khán giả kỳ vọng.
Thiếu sự đầu tư nghiêm túc
Ngoài một số diễn viên tên tuổi làm web-drama, trên mạng còn chiếu nhiều phim do các diễn viên chưa nổi tiếng thực hiện như Mẹ chồng nàng dâu, Cô giáo tôi là trùm cuối, Phố Hoa kiều - Chuyện xóm đào... Nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên nêu ý kiến: “Các phim này hầu hết có nội dung thiếu đầu tư nên xem xong trôi tuột, kiểu như làm cho có sản phẩm để đăng tải trên YouTube nhằm kiếm lượt xem tăng lợi nhuận. Phần lớn đều có cách dàn dựng còn sơ sài, diễn xuất gượng ép, vụng về, thậm chí phản cảm...”.
Với web-drama Việt, chính vì được phát miễn phí, rộng rãi trên YouTube, nên một số sản phẩm được phát hành tràn lan, thiếu tính chuyên nghiệp, kém chất lượng. Bên cạnh đó, nội dung nhạy cảm được khai thác không phù hợp lứa tuổi khán giả, như loạt phim giang hồ áo trắng chốn học đường, gây bức xúc cho số đông khán giả đang nở rộ trên mạng như: Lớp trưởng tôi là đại ca, Bạn trai tôi trùm trường, Bạn gái tôi trùm trường, Giang hồ học đường, Trùm trường đại chiến... Mặt khác, việc lồng ghép các thương hiệu, quảng cáo sản phẩm vào web-drama quá nhiều cũng gây ức chế cho người xem, vì chi tiết lồng ghép nhiều khi không ăn nhập với tình huống, dẫu ai cũng biết để có kinh phí thực hiện, nhà sản xuất cần có tài trợ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài khiến các dự án phim điện ảnh trong nước khó ra rạp, sự ra đời của các web-drama trong thời gian qua ít nhiều đã “giải” được phần nào cơn khát thưởng thức văn hóa - giải trí của khán giả. Có lẽ, đó cũng là lý do khiến các web-drama đua nhau nở rộ và nghệ sĩ miệt mài đua theo cuộc chơi này.
Cuối năm ngoái, web-drama Cân mẹ do Việt Hương sản xuất, đóng cùng Đại Nghĩa, Hoài Tâm… ra mắt nhưng nhận được rất ít sự chú ý cũng như lượt xem trên mạng. Nữ nghệ sĩ xem đây là thất bại của chị so với các sản phẩm trước và bày tỏ sự buồn rầu: “Phim kém thu hút đã phản ánh tư duy, cách làm phim của tôi và ê kíp bị cũ so với các đồng nghiệp thế hệ sau”. Trong khi đó, vợ chồng diễn viên Thu Trang - Tiến Luật chia sẻ: “Web-drama được xem là hướng đi tốt cho các nghệ sĩ trong mùa dịch này, nhưng khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì các nghệ sĩ cần phải có sự đầu tư nghiêm túc, sáng tạo hơn nữa mới có thể “giữ chân” khán giả và được giới chuyên môn đánh giá cao”.
Bình luận (0)