Phim đề tài chiến tranh - người lính 'nóng' lên

Thu Thủy
Thu Thủy
22/12/2024 06:00 GMT+7

Nhiều bộ phim điện ảnh và cả truyền hình đề tài chiến tranh - người lính đang phát sóng và sẽ ra rạp thời gian tới, tạo nên "sức nóng" của dòng phim này.

Tái hiện lịch sử hào hùng

Gây chú ý trên sóng phim giờ vàng là bộ phim Không thời gian do NSƯT - đạo diễn Nguyễn Danh Dũng và Nguyễn Đức Hiếu cầm trịch với câu chuyện về người lính trong thời chiến lẫn thời bình. Là hình ảnh cảm động của trung tá Lê Nguyên Đại cùng đồng đội giúp dân chống lũ, dịch bệnh, đối mặt với hiểm nguy. Đan xen là những hình ảnh hào hùng của một thời kháng chiến chống Mỹ oanh liệt mà bộ đội Cụ Hồ không ngại hy sinh tuổi trẻ, xương máu bảo vệ đất nước, bảo vệ đồng đội, trạm xá giữa mưa bom, bão đạn. Để rồi sau chiến tranh, những nỗi đau từ di chứng chất độc da cam trở thành nỗi ám ảnh, khiến người lính trẻ như trung tá Đại không dám lập gia đình chỉ vì sợ di chứng từ người cha vốn là trạm trưởng binh đoàn T1 năm xưa. Nhưng vượt lên trên hết chính là tình yêu quê hương, đất nước, vì nước quên thân vì dân phục vụ của những người lính, cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Phim đề tài chiến tranh - người lính 'nóng' lên
- Ảnh 1.

Cảnh trong phim Không thời gian

ẢNH: VFC

Trên màn ảnh rộng, Điện ảnh Quân đội nhân dân giới thiệu trailer phim Mưa đỏ dự kiến ra rạp ngày 2.9.2025. Bộ phim do NSƯT Đặng Thái Huyền đạo diễn, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Lai, tái hiện cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân VN trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Phim không chỉ khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh mà còn đề cao tinh thần hòa giải, khát vọng hòa bình và hành trình thống nhất đất nước. Bên cạnh đó, phim cũng phản ánh cuộc đấu trí cam go tại Hội nghị Paris, tố cáo tội ác chiến tranh và tôn vinh tính chính nghĩa của dân tộc. Phim được đầu tư công phu với quá trình chuẩn bị kéo dài nhiều năm. Đoàn làm phim đã khảo sát hơn 10 tỉnh thành và xây dựng phim trường chính ngay tại Quảng Trị. Các cảnh quay sử dụng vũ khí, phương tiện quân sự và đạo cụ được phục dựng sát với nguyên mẫu lịch sử. Đặc biệt, dòng sông Thạch Hãn được chọn làm bối cảnh, vừa tri ân các anh hùng liệt sĩ, vừa mang lại cảm xúc chân thực cho khán giả. Để tái hiện không gian chiến tranh thập niên 1970, ê kíp đã chú trọng đến từng chi tiết trong bối cảnh và đạo cụ, từ hầm phẫu thuật đến trang phục, vũ khí... Sự đầu tư công phu và tinh thần trách nhiệm cao với mong muốn góp phần tạo nên một tác phẩm xúc động, tái hiện chân thực tinh thần kiên cường của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến ác liệt.

Phim đề tài chiến tranh - người lính 'nóng' lên
- Ảnh 2.

Cảnh trong phim Mưa đỏ

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên viết kịch bản và cầm trịch dự kiến ra rạp tháng 4.2025, cũng là điểm nhấn của dòng phim chiến tranh. Nội dung phim được đạo diễn này ấp ủ suốt 10 năm. Phim lấy bối cảnh năm 1967 kể về đội du kích 21 người do Bảy Theo (Thái Hòa đóng) chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông - một hệ thống địa đạo phức tạp nằm dưới lòng đất, nơi luôn bị địch đánh phá khốc liệt. Khi liên lạc vô tuyến của đội bị phát hiện, lợi thế ẩn mình trong địa đạo bị mất đi, đẩy họ vào những cuộc chiến sinh tử để bảo vệ căn cứ. Tác phẩm không chỉ khắc họa sự khắc nghiệt của chiến tranh mà còn làm nổi bật tình đồng đội, tình yêu, khát khao sống và ý chí kiên cường của những người lính.

Nỗ lực tạo ra các thước phim chân thực

Phim đề tài chiến tranh là dòng phim khó thực hiện bởi nội dung phải đảm bảo tính chân thực về lịch sử, hoàn cảnh. Sự quy mô về cảnh quay, con người, đầu tư về phim trường… luôn khiến các nhà làm phim trăn trở. Nói về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho biết: "Tính chân thực từ kịch bản được thể hiện qua việc các diễn viên được chọn lựa rất kỹ càng. Trong mỗi người dân VN thì hình ảnh bộ đội Cụ Hồ luôn được nâng niu, trân trọng, nhiều thiện cảm. Vì vậy các nhân vật trong phim phải đảm bảo tính chân thực thì mới thuyết phục được khán giả. Hình ảnh bộ đội phải sinh động, gần gũi, chân thực, sát với đời sống hiện tại (thời bình), cùng lúc đó thì phải biểu đạt được những khó khăn, hy sinh gian khổ trong thời chiến. Người chiến sĩ ở thời nào cũng đều có điểm chung là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quá khứ và hiện tại cần phải được hòa quyện và thống nhất. Trong chiến tranh thì người lính sẵn sàng hy sinh để đất nước có được độc lập, hòa bình. Còn ở thời bình, đối mặt với thiên tai, bão lũ… thì anh bộ đội luôn có mặt".

Phim đề tài chiến tranh - người lính 'nóng' lên
- Ảnh 3.

Phim Địa đạo

ẢNH: ĐPCC

Còn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết ê kíp đoàn phim phải chuẩn bị rất nhiều tháng trước khi bước vào những cảnh quay. Các diễn viên được huấn luyện bắn súng thật, chiến đấu bằng dao và rèn thể lực với sự hỗ trợ từ Bộ Tư lệnh TP.HCM. Họ làm quen với điều kiện thực tế trong địa đạo hẹp chỉ 50 cm, cầm vũ khí luồn lách di chuyển với tốc độ nhanh, phải tập nhuần nhuyễn để khi đóng phim mới tạo được hình ảnh, tâm lý chân thực của con người thời chiến.

Nói thêm về sự hỗ trợ từ các đơn vị, lực lượng quân đội, đạo diễn Nguyễn Danh Dũng nhấn mạnh: "Nếu không có sự hỗ trợ từ Tổng cục Chính trị, Cục Tuyên huấn và các đơn vị, lực lượng bộ đội thì chúng tôi rất khó hoàn thành bộ phim này. Bộ phim kéo dài ở cả thời chiến lẫn thời bình và phía quân đội đã hỗ trợ về phương tiện, vũ khí, nhân lực, vật lực. Đặc biệt là những tư vấn chuyên môn hết sức quan trọng từ các chuyên gia trong ngành đã giúp bộ phim chân thật hơn. Rồi những vấn đề mới được đưa vào nội dung phim và được tư vấn nhiều từ phía quân đội là vấn đề chống bạo động, chống phá cách mạng ở thời bình của các thế lực thù địch. Những hỗ trợ về phương tiện, thiết bị, khí tài thì chắc người xem cũng thấy rõ, ví dụ ở những cảnh xây cầu vượt lũ, rồi cảnh máy bay trực thăng cứu hộ, thiết bị rà phá bom mìn… và sau này còn nhiều đại cảnh có sự hỗ trợ từ phía quân đội".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.