Phim, kịch đề tài gia đình hút khách

Hoàng Kim
Hoàng Kim
22/06/2023 07:40 GMT+7

Gần đây, nhiều vở diễn sân khấu và bộ phim khai thác nhiều khía cạnh của đời sống gia đình đã thu hút khán giả rất mạnh, gây ấn tượng sâu sắc cho người xem.

CảM ĐỘNG CHUYỆN NHÀ TRÊN PHIM

Bộ phim Vạn dặm nhân sinh (đang phát sóng trên VTV9 và VieON) có sự tham gia của Quốc Cường, Trường Thịnh, Thanh Bình, NSƯT Thanh Nam, Cao Minh Đạt đang thu hút lượng người xem khá lớn. Phim đặt ra những vấn đề gia đình rất gần gũi trong cuộc sống hiện đại, như con cái sẽ phụng dưỡng cha mẹ thế nào, cha mẹ đối xử với con cái ra sao trong bối cảnh ở riêng, ở chung, anh em trong nhà nhường nhịn hay cắn xé lẫn nhau trước quyền lợi, tài sản… Rồi chữ hiếu, chữ tình thân và áp lực cuộc sống được đưa lên bàn cân, xem khinh trọng bên nào… cũng được thể hiện rất sinh động trên phim.

Phim, kịch đề tài gia đình hút khách - Ảnh 1.

Cảnh trong phim Vạn dặm nhân sinh

T.L

Bộ phim Giấc mơ của mẹ cũng chinh phục khán giả qua tài năng diễn xuất của NSND Hồng Vân cùng ê kíp NSƯT Hữu Châu, Nhan Phúc Vinh, Diễm My, Trần Ngọc Vàng… Tuy chuyển thể từ phim Hàn Quốc, nhưng Giấc mơ của mẹ đã có màu sắc rất VN, gần gũi với mọi gia đình, hoặc có thể nói, mỗi khán giả đều tìm thấy bóng dáng của mình, của gia đình mình trong đó. Những gia đình rất truyền thống, với bà mẹ tảo tần lo cho các con, nhưng đôi khi hai thế hệ không hiểu nhau, đưa đến xa cách, mâu thuẫn, rồi trải qua sóng gió họ mới nhận ra tình thương của nhau, có khi lại muộn màng.

Trước đó, phim Gạo nếp gạo tẻ cũng có sự tham gia xuất sắc của NSND Hồng Vân trong vai bà mẹ, đặt vấn đề con trai con gái, giàu nghèo trong nhà. Hoặc phim web drama của Hồng Vân là Đại Kê chạy đi cũng làm khán giả cười lăn lộn rồi khóc sướt mướt với câu chuyện gia đình của bà Hồng bán gà.

Khi được hỏi vì sao chị có thể hóa thân vào rất nhiều vai bà mẹ mà không bị trùng lặp, NSND Hồng Vân nói: "Tôi lấy mẫu từ bà ngoại tôi, mẹ tôi, chị tôi, hoặc chị chồng, dì, mợ… Chung quanh mình có rất nhiều mẫu người phụ nữ tuyệt vời để mình học tập, rút kinh nghiệm, và… diễn. Chuyện gia đình có nói bao nhiêu cũng không thừa, vì mỗi nhà mỗi cảnh, đều có chuyện cho mình thể hiện. Nhưng tôi thích nhất phim Giấc mơ của mẹ, vì nó rất đời, người ta xem mà tin. Rất nhiều bạn trẻ nói rằng xem phim xong là thấy thương mẹ, thương gia đình nhiều hơn, phải chạy về ôm mẹ, nói với mẹ câu gì đó bày tỏ lòng thương".

Không chỉ "hot" trên màn ảnh nhỏ, những bộ phim xoay quanh mối quan hệ gia đình trên màn ảnh rộng gần đây cũng rất ăn khách, như Nhà bà Nữ, Bố già, Tiệc trăng máu

Phim, kịch đề tài gia đình hút khách - Ảnh 2.

NSƯT Mỹ Uyên và nghệ sĩ Hoàng Ngọc Sơn trong vở Tiền là số 1

H.K

SÂN KHẤU XOAY QUANH GIA ĐÌNH

Rất nhiều vở diễn sân khấu gần đây cũng tập trung khai thác đề tài gia đình.

Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ 5B (TP.HCM) vừa tái diễn vở Tiền là số 1, Ảo và thật, Tình lá diêu bông vì đây là những vở đề cập những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống, hoặc những quan hệ thiêng liêng mà người ta không bỏ được.

Tiền là số 1 thể hiện đời sống cơ cực của những người dân quê phải lên thành phố tha phương cầu thực. Đôi lúc họ mơ mình thoát khỏi cảnh nghèo bằng một con đường nhanh chóng nào đó. Nhưng khi bàng hoàng tỉnh mộng họ mới thấy thôi thà nghèo một chút mà bình yên. Ảo và thật là câu chuyện tìm bạn đời trên mạng xã hội, ban đầu có thể là rất ảo, rất muốn lừa nhau, nhưng rồi cuối cùng khi đối diện thực tế thì con người mới sống thật với chính mình, mới biết rung động, yêu thương. Một gia đình mà con cái không dễ "cho phép" cha mẹ đi tìm hạnh phúc cuối đời, sợ bị chia xẻ tài sản cho người dưng… đều gặp rất nhiều trong xã hội. Tình lá diêu bông là câu chuyện tình thân trong gia đình, có thể hy sinh cho nhau, như người chị đã bỏ cả thanh xuân để nuôi các em khôn lớn.

Phim, kịch đề tài gia đình hút khách - Ảnh 3.

NSƯT Thành Hội và nghệ sĩ Ái Như trong vở Mùi của hạnh phúc

H.K

Sân khấu Hoàng Thái Thanh TP.HCM cũng "chuyên trị" đề tài gia đình. Mùi của hạnh phúc đặt vấn đề rất thời đại, khi người ta xem trọng tiền bạc, công việc, danh vị hơn người thân trong nhà. Có khi người ta khinh rẻ nhau, hoặc lạt lẽo, cô đơn, lừa dối ngay chính nơi gọi là tổ ấm. Nhưng may mắn là người ta còn kịp nhận ra lỗi và sửa chữa, cứu vãn gia đình. Mơ trăng bóng nước kể câu chuyện khá phổ biến khi người ta vẫn mơ màng về mối tình xưa, bỏ quên bạn đời hiện tại đang cố sức vun bồi tình cảm. Vở kịch nhắc người ta nên sống cho hiện tại hơn là quá khứ, hãy nắm lấy từng phút giây hạnh phúc quý giá. Tình yêu trời đánh cực kỳ sinh động bởi chuyện hai người thuộc hai tầng lớp khác nhau nhưng cuộc đời đã xô đẩy để đến với nhau.

Khi được hỏi vì sao sân khấu Hoàng Thái Thanh đầu tư cho rất nhiều tác phẩm về đề tài gia đình, đạo diễn Ái Như cho biết: "Chúng tôi hy vọng góp một chút tiếng nói nhắc nhớ về những giá trị tốt đẹp của gia đình, khi mà trong đời sống hiện đại mối quan hệ gia đình có vẻ lỏng lẻo hơn xưa, có nguy cơ dễ nguội lạnh hơn xưa. Gia đình chính là cái nôi đầu tiên làm nên nhân cách con người, thì nó đáng được chăm chút".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.