Phim tài liệu về gánh hát tuồng cổ 'Đoạn trường vinh hoa' ra rạp

10/11/2020 14:32 GMT+7

Nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ các suất chiếu phi lợi nhuận, phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa sẽ có 2 tuần công chiếu tại các cụm rạp BHD.

Sau một vài suất chiếu giới thiệu tại các trung tâm văn hóa, phim đã được nhà phát hành BHD đưa ra rạp từ ngày 13.11. Toàn bộ lợi nhuận thu được từ các suất chiếu thương mại sẽ được ê-kíp phim gửi về cho gánh hát nhằm ủng hộ bộ môn nghệ thuật tuồng cổ vốn đang dần mai một ở miền Tây. Đây cũng là một trong những bộ phim tài liệu hiếm hoi mạnh dạn ra rạp và nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Phim tài liệu về gánh hát tuồng cổ ‘Đoạn trường vinh hoa’ ra rạp

Không gian trình diễn và sinh hoạt của các nghệ sĩ được mô tả chân thực nhưng không kém phần nghệ thuật qua những thước phim Đoạn trường vinh hoa

Ảnh: ĐPCC

Đoạn trường vinh hoa được thực hiện theo hướng tài liệu điện ảnh trực tiếp do đạo diễn Lê Mỹ Cường và Thanh Nguyễn đồng tác giả, quay hình trong suốt 18 tháng với hơn 100 giờ quay (từ tháng 3.2019 - 7.2020).
Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ: “Cơ duyên tôi đến với phim này xuất phát từ sự tò mò của một người trẻ từ miền Bắc, chưa am hiểu về nghệ thuật cải lương tuồng cổ nên khi nhìn thấy những gánh hát ở các vùng quê, tôi thật sự muốn tìm hiểu đằng sau bức màn nhung ấy là gì. Ý định đó nung nấu quyết tâm để tôi từ Hà Nội vào miền Tây bắt tay làm bộ phim”.
Phim tài liệu về gánh hát tuồng cổ ‘Đoạn trường vinh hoa’ ra rạp

Rong ruổi, lênh đênh khắp các tụ điểm, phòng chờ hóa trang của các nghệ sĩ chỉ đơn giản là những bệ cửa, bậc tam cấp

Ảnh: ĐPCC

Nội dung của Đoạn trường vinh hoa kể về hành trình một gánh cải lương tuồng cổ của nữ nghệ sĩ Phương Ánh (nhân vật chính của bộ phim) rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây để trình diễn. Không tập trung diễn giải về đặc trưng của môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ, những màn trình diễn lộng lẫy thu hẹp bên trong khung sườn sân khấu, đạo diễn Lê Mỹ Cường chọn để vòng ra phía sau, len lỏi xuống tận gầm sân khấu để mở ra một thế giới khắc nghiệt hơn của những người nghệ sĩ. Dưới ánh đèn sân khấu hoa lệ, họ là những ông hoàng bà chúa. Nhưng họ cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn nhung hạ xuống. Cuộc sống của những thành viên trong gánh hát Phương Ánh dần dà được mở ra chân thật và đầy xúc động.
Gánh hát nghèo là mái nhà của những trái tim nghệ thuật đến từ Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ… và nhiều vùng khác ở miền Tây. Cứ mỗi một lần ghé chân tại miếu đình, gánh cải lương lại có duyên tìm được những con người có đam mê với nghệ thuật tuồng cổ. Dù nhiều gian khó, tình yêu với những câu hát cải lương, nghệ thuật bao giờ cũng cháy bỏng trong tim họ. Kể cả những lúc ngặt nghèo, trải qua đau thương, mất mát của bệnh tật.
Phim tài liệu về gánh hát tuồng cổ ‘Đoạn trường vinh hoa’ ra rạp

Phút nghỉ ngơi vội vã chưa kịp tẩy trang của các nghệ sĩ sau những xuất diễn khuya

Ảnh: ĐPCC

Chọn hình thức cho nhân vật chính tự thuật lại câu chuyện của mình, Đoạn trường vinh hoa mang đến thuyết phục, mới mẻ cho dòng phim tài liệu. Âm hưởng Nam bộ được duy trì thống nhất, xuyên suốt phim nhờ giọng kể mộc mạc, chân chất của cô bầu hát Phương Ánh. Để làm được điều này, các thành viên của ê-kíp đã phải qua hơn 1 năm “ăn cùng, ngủ cùng, sống cùng” nhân vật.
Dù thuộc dòng phim tài liệu nhưng yếu tố hình ảnh được đạo diễn Lê Mỹ Cường đặc biệt chăm chút, hoàn toàn đạt chuẩn để đưa lên màn ảnh rộng của rạp chiếu. Từng thước phim đều rất tinh gọn, khơi gợi nhiều cảm xúc nơi người xem. Ở những xuất chiếu đầu tiên, không ít khán giả đã rơi nước mắt khi chứng kiến giấc mộng vinh hoa đầy trắc trở của những người nghệ sĩ cải lương yêu và sống hết mình với nghề...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.