Một nhà báo bị hại chết bằng lửa, một bệnh nhân bị bác sĩ điều trị mưu sát, những bộ phận nội tạng của con người bị sử dụng với mục đích trục lợi... Với lời tóm tắt này về bộ phim trước khi ra mắt, từ đạo diễn tới giám đốc sản xuất của Mặt nạ da người đã không ít lần được "chất vấn". "Một câu hỏi tôi phải trả lời nhiều lần: phim có sử dụng chất liệu từ vụ án gần đây của một cố nhà báo?" - đạo diễn Mai Hồng Phong tâm sự.
Giống như cách trả lời cho nhiều bộ phim chính luận khác, một phần vì những "động chạm" từ nội dung mà phim đề cập, các nhà làm phim thường nói tránh, né khéo và phủ nhận sự liên quan của phim với chuyện thời sự. Ðạo diễn Mai Hồng Phong cũng có một câu trả lời "không" tương tự, song anh phải thốt lên: "So với loạt phim Cảnh sát hình sự hay Blog nàng dâu, đây là phim khó nhất từ trước đến nay".
|
Câu chuyện trong Mặt nạ da người bám chặt vào quá trình tác nghiệp vất vả của nhóm phóng viên tờ báo Sự thật. Họ phải khai thác đến cùng các nguồn tin để công bố một đường dây quyền lực đang hoành hành trong khoa thận một bệnh viện và tập đoàn bất động sản được coi là lớn nhất Việt Nam. Báo chí, y tế, kinh tế; ở lĩnh vực nào cũng có những nhà báo, bác sĩ sống giả, hai mặt, đặt lợi ích riêng lên trên cùng. Cánh tay phải đắc lực giúp đạo diễn Mai Hồng Phong truyền tải bức tranh xã hội với tuyến nhân vật dày đặc này là dàn diễn viên gạo cội: NSND Như Quỳnh, NSƯT Phạm Cường, NSƯT Huyền Thanh hay những gương mặt ăn khách khu vực phía Bắc: Minh Hà, Tuấn Tú, Hải Anh, Hồng Phúc...
Trong khi hội đồng thẩm định vẫn đang "soi" những tập cuối cùng để đảm bảo không sót lọt nội dung quá nhạy cảm, người trong cuộc cũng không kém lo lắng bởi dòng phim tâm lý hình sự xen giải trí chưa là thế mạnh của các nhà làm phim Việt Nam. Ðạo diễn bắt tay làm là đối mặt với nhiều nguy cơ - nguy cơ rõ nhất là phim dở, sản phẩm đóng mác chính luận nhưng khô cứng, khiên cưỡng, thiếu thuyết phục. Trường quay còn phải chờ lâu mới có; nhiều cảnh khó, kỳ công như bối cảnh cháy nhà, đâm xe gây tai nạn, cháy tàu đánh cá, cướp bóc, bắt cóc, giải cứu con tin... trở thành một trong những ký ức kinh hoàng của đạo diễn về độ vất vả!
Sau Cầu vồng tình yêu (phát sóng từ ngày 15-9-2011 trên VTV3), bản thân Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN (VFC) đang buông dần những đề tài thiên về giải trí để làm phim chính luận. Song khi đã "dính" vào dòng phim này, như đạo diễn Ðỗ Thanh Hải - giám đốc VFC - chia sẻ cái khó là phải hỗ trợ công tác thẩm định nội dung sao cho nhạy cảm vừa đủ để "phù hợp phát sóng". Với Mặt nạ da người cũng vậy. Phim chỉ là một bản sao không đầy đủ của dòng chảy thời sự, nhưng bằng cách khai thác, bám sát những sự việc từng gây chấn động trong xã hội hoặc "nói khéo" liên quan đến vụ A, nhân vật B, các nhà làm phim đang tạo sự tò mò, chờ đợi cho một bộ phận khán giả quan tâm đến phim Việt.
Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải: đổi vị theo khán giả * Việc đều đặn làm phim “thể loại khó” phải chăng là những bước cần thiết cho thấy một xu hướng làm phim đang thay đổi của VFC? - Gần đây, trước nhiều bộ phim có kịch bản dễ dãi, đề tài thiên về giải trí với môtip tình yêu éo le, hận thù, ân oán, lại chỉ loanh quanh các bối cảnh đô thị phát triển; khán giả thấy nhàm chán hoặc thể hiện rõ họ có nhu cầu “đổi vị”. Cố gắng đánh giá, phân tích xu hướng phát triển của phim truyền hình và theo dõi những phản hồi của khán giả (bản thân tôi rất quan tâm đến các diễn đàn bình luận về phim Việt), của báo chí và thị trường; nhà làm phim cũng bắt đầu phải chủ động “đổi mình”. Dù có bám sát các xu hướng làm phim để phục vụ nhu cầu giải trí thì cũng phải nỗ lực tìm kiếm, lựa chọn và thử nghiệm ở một số mảng đề tài mới. Điều đó có thể thấy rõ ở những dự án phim mà các đơn vị, trong đó có VFC đã và đang làm, từ những đề tài chính luận, phản biện xã hội (Chủ tịch tỉnh, Đàn trời, Rừng chắn cát...), đề tài tâm lý xã hội (Những công dân tập thể, Hai phía chân trời) hay các đề tài khác về điều tra hình sự, phim cho giới trẻ, học sinh... Phải chấp nhận những thách thức mới, thay đổi đề tài, cách thức dàn dựng và lựa chọn những đề tài khó hơn nhằm mang đến sự đa dạng, mới mẻ về nội dung, cách thể hiện... thì phim truyền hình mới thu hút và giữ được sự quan tâm của khán giả. Làm như thế cũng là một cách tự cứu mình, để không bị cuốn vào dòng xoáy của cuộc chạy đua làm phim tốc độ, không bị đồng hóa vào đội ngũ làm phim nghiệp dư. N.Linh |
Theo Nga Linh / Tuổi Trẻ
>> Phim truyền hình thời mì ăn liền - Kỳ 2: Diễn trong sợ hãi
>> Phim truyền hình thời mì ăn liền - Kỳ 3: Phim ảnh vá víu như giao thông
>> Phim truyền hình thời mì ăn liền
>> Lindsay Lohan làm khách mời phim truyền hình "Glee
>> Dán nhãn cho phim truyền hình
Bình luận (0)