Cho em gần anh thêm chút nữa (đạo diễn Văn Công Viễn) đã thu được trên 15 tỉ đồng dù vẫn đang công chiếu. Phim lấy được cảm xúc của khán giả bằng nội dung giản dị, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cảnh Rin (Jun Vũ đóng) gọi điện tâm sự với mẹ (nghệ sĩ Hồng Đào) qua sóng radio bằng giọng nấc nghẹn của cô con gái đang bị bệnh ung thư sắp qua đời đã chạm đến trái tim của nhiều người.
Phim kinh phí thấp Nắng (đạo diễn Đồng Đăng Giao) là câu chuyện về hai mẹ con bé Nắng (Kim Thư) và mẹ Mưa (Thu Trang) hằng ngày dắt nhau đi lượm ve chai, bán vé số. Thu Trang vào vai bà mẹ thiểu năng, khuôn mặt ngơ ngác, giọng nói chậm chạp, đứt quãng và bộ dạng lóng ngóng, nhưng ánh mắt lúc nào cũng toát lên tình yêu vô bờ bến. Khán giả đã sụt sùi khi bé Nắng khắc khoải gọi tên mẹ, cầu xin ở tòa án để mẹ không bị tử hình. Nắng là một hành trình đủ dài để đưa khán giả lắng lòng trong những trải nghiệm ấm áp về tình cảm gia đình.
Sài Gòn anh yêu em (đạo diễn Lý Minh Thắng) có đoạn cậu con trai Việt kiều gặp lại người cha sau 20 năm tìm kiếm khiến khán giả rớt nước mắt. Diễn viên không khóc trên phim nhưng người xem khóc qua những cảnh quay về đời nghệ sĩ, tình nghệ sĩ với diễn xuất của NSND Ngọc Giàu và NSƯT Thanh Nam trong vai cặp nghệ sĩ già sống nương tựa vào nhau với tình tri kỷ và tình yêu sân khấu cải lương.
Khán giả Kim Thanh cho biết: “Công chúng đã quá mệt mỏi với những phim hài nhảm. Thế nên dù các phim bi chưa thật sự xuất sắc, có những phim làm quá, đẩy cao trào cảm xúc lên như kịch, nhưng khán giả cũng vẫn thích và truyền miệng kéo nhau đi xem”.
Nhà sản xuất Bích Liên, Hãng phim Sóng Vàng, lý giải: “Giữa cuộc sống hiện đại hối hả, bận rộn, người ta lại càng khao khát những tình cảm ngọt ngào, những giây phút xúc động, để có thể khóc được. Khóc vì được đồng cảm hay thông cảm cho hoàn cảnh một người khác, hoặc khóc để nhẹ lòng, khóc để biết được rằng mình không vô cảm, còn nhiều cảm xúc... thì tôi nghĩ đó là lý do khiến khán giả yêu thích những phim bi kịch, dễ lấy nước mắt người xem”.
Trong khi đó, đạo diễn Luk Vân, từng lấy nước mắt khán giả qua bộ phim 4 năm 2 chàng và 1 tình yêu với doanh thu 23 tỉ đồng, cho biết: “Đây là một xu hướng đúng đắn mà các nhà làm phim Việt trước nay bỏ quên, không chịu đào sâu để làm. Bởi kiểu phim bi, làm cho khán giả khóc không bao giờ lỗi thời. Trong cuộc sống có những người gặp trường hợp bi đát như trong phim, nhưng họ không biết giải quyết như thế nào nên xem phim họ dễ đồng cảm”.
Còn đạo diễn Vinh Sơn chia sẻ: “Dòng phim bi kịch cũng từng khiến tôi yêu thích nên đã đặt nhiều tâm huyết khi làm Trăng nơi đáy giếng từ nhiều năm trước. Dù thời gian có trôi thì những bi kịch đời người, những câu chuyện nhân văn trong phim không bao giờ cũ. Nếu các bạn trẻ làm phim bây giờ biết vun đắp cho nghệ thuật, chú trọng ngôn ngữ điện ảnh trong sáng tạo thì dạng phim lấy nước mắt khán giả sẽ đạt đến một giá trị nghệ thuật cao”.
Bình luận (0)