Chiều 5.5, nhiều nhà làm phim có tiếng trong làng phim Việt đã tề tựu tại buổi họp báo công bố khởi động Dự án phim ngắn CJ mùa 4. Đây là sân chơi điện ảnh được nhiều bạn trẻ yêu phim mong chờ hằng năm. Bởi bên cạnh việc được nhận hỗ trợ kinh phí làm phim, nếu lọt vào top 5 dự án xuất sắc nhất, các nhà làm phim trẻ còn có cơ hội được ban tổ chức, hội đồng thẩm định hỗ trợ mang phim đi dự thi tại các liên hoan phim quốc tế uy tín.
Trong phần hỏi - đáp giữa ban tổ chức và báo giới, câu hỏi: "Vì sao nhiều phim Việt sau khi chinh chiến vẻ vang tại các liên hoan phim quốc tế khi về nước lại hiếm khi được phổ biến rộng rãi?" được nêu lên. Đạo diễn Phan Đăng Di, thành viên Hội đồng thẩm định Dự án phim ngắn CJ mùa 4 đã đưa ra lời lý giải dựa trên kinh nghiệm nhiều năm làm nghề của anh.
Phan Đăng Di chia sẻ: "Thật ra đây là hai mô hình tư duy khác nhau. Các liên hoan phim quốc tế thường sẽ đề cao những bộ phim mang tính chủ quan sáng tạo, tức quan điểm, góc nhìn nghệ thuật của người làm phim được tôn vinh vì nó khác biệt, độc đáo. Nhưng nó sẽ khó lòng thu hút, thỏa mãn số đông. Nên nếu làm phim dành cho khán giả đại chúng ở Việt Nam thì ngay từ đầu ta phải có định hướng khác. Chúng không giống nhau, khá khó để gặp nhau. Người làm phim thường chỉ có thể chọn hoàn thành một nhiệm vụ.
Nói như vậy không có nghĩa là những người có xu hướng làm phim mang tính cá nhân không khát khao phổ biến tác phẩm của họ đến khán giả đại chúng tại Việt Nam. Nhưng đôi khi, việc phim có phổ biến hay không cũng nằm ngoài vòng tay kiểm soát của họ. Ngay cả bản thân tôi cũng có những bộ phim đã từng được đi liên hoan phim quốc tế, mang về Việt Nam làm việc, "chào hàng" với các nhà phát hành, cụm rạp lớn cũng bị từ chối như thường. Họ nói: Phim của anh cũng hay đấy, nhưng rất tiếc là tôi thấy sẽ chẳng có cơ may nào để đưa bộ phim này ra kinh doanh cả, nó không có yếu tố thương mại".
Thế nên, theo đạo diễn Bi, đừng sợ!, việc một bộ phim được tôn vinh ở liên hoan phim quốc tế khi về Việt Nam lại "khó bán" hay đại chúng không mấy hứng thú cũng là chuyện thường xuyên xảy ra. Nó cũng là một tình trạng rất khó để các nhà làm phim có thể "phòng tránh". Tuy nhiên, đạo diễn Phan Đăng Di thổ lộ anh và nhiều nhà làm phim độc lập vẫn luôn hy vọng "bức tranh toàn cảnh" sẽ thay đổi trong tương lai.
"Tất nhiên đến một lúc nào đó, tôi nghĩ nền điện ảnh của chúng ta rồi sẽ đến được với một trạng thái lý tưởng hơn. Chúng ta sẽ có một hay nhiều quỹ nào đó hỗ trợ phát hành những bộ phim hơi "kén" như vậy. Và từ phía khán giả, họ cũng phải có nhu cầu, tinh thần sẵn sàng bỏ tiền mua vé thưởng thức những bộ phim "khó". Chỉ như vậy thì mọi chuyện mới thay đổi", Phan Đăng Di nhận xét thêm.
Ra đời từ năm 2018, Dự án phim ngắn CJ là một sân chơi điện ảnh bổ ích dành cho các nhà làm phim trẻ, đã tạo điều kiện cho nhiều tác phẩm Việt để lại dấu ấn và đoạt giải tại các liên hoan phim quốc tế. Tiêu biểu, phim ngắn Một khu đất tốt của đạo diễn Phạm Ngọc Lân (mùa 1) đã được lựa chọn tranh giải tại Liên hoan phim Berlin 2019 (Đức). Mây nhưng không mưa của đạo diễn Vũ Minh Nghĩa và Phạm Hoàng Minh Thy (mùa 2) lọt vào danh sách 12 phim ngắn tranh giải hạng mục Orizzonti Short tại Liên hoan phim Venice 2020.
Ngọt, Mặn của đạo diễn Dương Diệu Linh (mùa 1), Bình của đạo diễn Phạm Quốc Dũng (mùa 2) đã được công chiếu và tranh giải hạng mục Wide Angle tại Liên hoan phim Quốc tế Busan (Hàn Quốc) năm 2019 và 2020. Với phim ngắn Gì cũng sửa, đạo diễn Lê Lâm Viên (mùa 2) cũng vinh dự nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất, hạng mục Phim ngắn Đông Nam Á tại Liên hoan phim Quốc tế Singapore 2022.
Đặc biệt, Hãy tỉnh thức và sẵn sàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân (mùa 1) từng đoạt giải Illy tại Tuần lễ Đạo diễn thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2019 (Pháp) nay đã được anh phát triển thành phim dài, lấy tên mới Bên trong vỏ kén vàng. Mới đây, Phạm Thiên Ân nhận tin vui khi Bên trong vỏ kén vàng là phim Việt duy nhất được vào danh sách 19 phim sẽ được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes 2023 tới đây.
Tuy nhiên, các bộ phim trên ít được công chúng biết đến, chủ yếu chỉ được chiếu thân mật giữa người trong nghề với nhau. Các đơn vị phát hành, nhà rạp tại Việt Nam cũng khó lòng dám nhận phim về chiếu có bán vé do nhiều rủi ro doanh thu, khán giả Việt cũng chưa có thói quen, nhu cầu xem phim nghệ thuật độc lập, nhất là phim ngắn, phim tài liệu.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV, đại diện ban tổ chức Dự án phim ngắn CJ cho biết: "Hàng năm sau mỗi mùa thi, ban tổ chức đều cố gắng tổ chức thật chỉn chu một buổi công chiếu các phim ngắn thành phẩm của các bạn thí sinh. Chúng tôi cũng rất mong muốn được chiếu rộng rãi các bộ phim có thành tích ở liên hoan phim quốc tế cho khán giả đại chúng. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố cần cân nhắc. Song, các bạn khi có phim đoạt giải ở một liên hoan phim rồi thường sẽ mong muốn đưa phim đi thêm nhiều liên hoan nữa trước khi mang phim về Việt Nam. Nhưng nếu có sự đồng thuận từ các đạo diễn, các bên liên quan, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện để các phim được chiếu rộng rãi đến mọi đối tượng khán giả".
Trên thực tế nhiều năm qua, chưa cần kể đến những nhà làm phim trẻ, ngay cả những phim Việt gây tiếng vang của những đạo diễn tên tuổi, từng giành nhiều giải thưởng uy tín tại thị trường quốc tế như: Chơi vơi (Bùi Thạc Chuyên), Bi, đừng sợ (Phan Đăng Di), Đập cánh giữa không trung (Nguyễn Hoàng Điệp), Đảo của dân ngụ cư (Hồng Ánh)… cũng khó phổ biến với khán giả đại chúng. Có phim không được chiếu hoặc chiếu ở dạng Quỹ văn hóa hỗ trợ, các nhà phát hành lớn có chiếu cũng chỉ xem đó là hình thức hỗ trợ chứ không xem đó là một thành tố của thị trường.
Gần nhất, phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của Hà Lệ Diễm vào được danh sách đề cử rút gọn của Oscar, sau khi đi vòng quanh thế giới, giành hơn 34 giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế thì mang về nước vẫn phải "đỏ mắt" tìm đơn vị phát hành. Thời gian đầu, chỉ có duy nhất Beta Cinemas "đưa tay" đón bộ phim này. Khi tạo được tiếng vang nhất định, Những đứa trẻ trong sương tiếp tục được chiếu ở Dcine và giới hạn một số rạp thuộc cụm rạp BHD.
Bình luận