Ra "món" mới, nhưng đều "dọn sớm"
Cuối tuần qua, bộ phim đề tài sinh tồn về cuộc chiến của nhóm bạn trẻ đi dã ngoại trong rừng phải chiến đấu với quái thú là Móng vuốt của đạo diễn Lê Thanh Sơn (từng thành công với phim Em chưa 18) đã chính thức rời rạp vì không bán được vé nào trong ngày, tổng doanh thu chỉ 3,88 tỉ đồng sau 3 tuần chiếu. Trước khi phim trình chiếu, đạo diễn có mong muốn phim đạt doanh số 300 tỉ đồng, và cho biết kinh phí thực hiện sau hơn 3 năm với nhiều công đoạn kỹ xảo VFX là khoảng hơn 50 tỉ đồng, ít nhất phải bán vé được trên 100 tỉ đồng thì mới hòa vốn.
Ít ai ngờ, phim Việt được xem là "bom tấn" ra mắt trong tháng 6 - đầu một mùa hè sôi động, với dàn diễn viên trẻ có tiếng như Tuấn Trần, Thảo Tâm, Rocker Nguyễn…, đề tài mới mẻ lại không được khán giả đón nhận. Việc lựa chọn hướng đi khác biệt - bởi Móng vuốt thuộc dòng phim sinh tồn rất ít có trên màn ảnh Việt, lại là phim Việt đầu tiên nói về cuộc chiến giữa người và thú - quả thật là một quyết định mạo hiểm nhưng đáng khích lệ của Lê Thanh Sơn. Thế nhưng cũng cần nhận ra, dù Móng vuốt có là đề tài độc lạ so với phim Việt, thì dòng phim này rõ ràng đã không còn xa lạ với khán giả yêu thích phim ảnh, từng xuất hiện rất nhiều tác phẩm từ châu Á tới Âu - Mỹ. Huống chi Móng vuốt lại bị đa số khán giả, giới chuyên môn nhận xét là kịch bản đã cũ theo mô típ dạng phim này, lại còn đầy sạn, thiếu logic trong các hoàn cảnh xảy ra câu chuyện lẫn tâm lý nhân vật, diễn xuất non nớt và cả không có nhiều cú bẻ "twist" bất ngờ. Dù chọn đề tài độc lạ để làm phim, nhưng chính đề tài vừa kén khách, lại vừa dàn dựng một cách kém hấp dẫn như Móng vuốt đã khiến phim thất bại thảm hại ở phòng vé Việt.
Phim giật gân Án mạng lầu 4 của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn được làm theo hướng đào sâu tâm lý nhân vật trong hoàn cảnh cặp vợ chồng phải nhận một thi thể em bé trước giờ ra sân bay đi định cư nước ngoài, có yếu tố phá án, cũng rời rạp Việt đầu tháng 6 với doanh thu bết bát khi chưa chạm đến con số 2 tỉ đồng. Hồi cuối tháng 4, B4S - Trước giờ yêu là phim tuyến tính về đề tài tình dục 18+ của giới trẻ với 3 câu chuyện của 3 cặp đôi; hay phim về du lịch ẩm thực Việt Giao lộ 8675 năm ngoái cũng có 3 câu chuyện riêng lồng ghép, đều thất bại nặng nề tại rạp, khi phim đầu thu được 3,8 tỉ đồng, phim còn lại chỉ 2,4 tỉ đồng.
Trước đó, các phim đề tài lạ về xác sống, ma cà rồng, siêu anh hùng, mặt trái mạng xã hội…, như Cù lao xác sống, Virus cuồng loạn, Bến phà xác sống, Cậu chủ ma cà rồng, Người mặt trời, Fanti, Live: Phát trực tiếp… cũng thất bại về doanh thu như thế.
Hiện rạp Việt đang chiếu phim Mùa hè đẹp nhất của đạo diễn Vũ Khắc Tuận, có đề tài thanh xuân học trò - vốn vắng bóng trong nhiều năm trở lại đây; nhưng qua hơn 4 ngày chiếu, trong đó có dịp cuối tuần, cũng chỉ thu nhỏ giọt, được khoảng 2 tỉ đồng.
Để những "phim độc lạ" có cơ hội sống sót
Có thể thấy, trong các cuộc hội thảo điện ảnh hay những góp ý cho các nhà sản xuất - đạo diễn Việt, hầu hết chuyên gia trong nghề đều khuyên hãy tìm đề tài mới lạ, độc đáo, khác biệt để làm phim, nhằm đổi vị cho khán giả, không lặp lại lối mòn, đem lại "màu sắc mới"; và cả khán giả cũng luôn mong muốn được xem những bộ phim có nội dung mới mẻ hơn những "món ăn" cũ của phim Việt.
Thế nhưng, nghịch lý là những phim Việt có đề tài mới lạ lại thường ngã ngựa một cách thảm hại ở phòng vé. Thực tế, các nhà sản xuất quá chú tâm vào yếu tố mới, lạ mà chưa tạo ra một câu chuyện hay, chạm được cảm xúc khán giả là nguyên nhân dẫn đến thất bại.
Một nhà sản xuất kỳ cựu (xin giấu tên) nêu ý kiến: "Rõ ràng, không phải phim thất bại là do đề tài lạ. Nếu phim có đề tài mới, độc lạ ở thể loại, mà làm không tới, không có chất lượng ở nhiều khâu như kỹ thuật tổng thể, hình ảnh quay, lại còn kém hấp dẫn ở câu chuyện lẫn dàn dựng, diễn xuất, thì làm sao có thể thu hút khán giả bỏ tiền mua vé xem phim. Sự sáng tạo luôn được đề cao, nhưng phải có hiệu quả tốt với thành phẩm ra rạp thì phim mới đạt doanh thu tốt". 3 phim Việt đang có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Việt là Mai (520 tỉ đồng), Lật mặt 7: Một điều ước (481 tỉ đồng), Nhà bà Nữ (475 tỉ đồng) đều không có đề tài lạ, chỉ là phim tình cảm gia đình, nhưng vẫn thắng lớn, là do nhạy bén trong việc nắm bắt thị hiếu công chúng để làm ra những bộ phim đồng điệu với cảm xúc số đông khán giả, cũng như phong độ làm phim ổn định, tay nghề ngày càng được nâng cao của Trấn Thành và Lý Hải.
Đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng: "Khán giả Việt vẫn rất cởi mở, chuộng cái mới với kiến thức điện ảnh ngày càng cao, đã xem qua rất nhiều phim đủ thể loại của điện ảnh thế giới, nên chắc chắn không chỉ thích xem một thể loại là tâm lý - tình cảm - gia đình đang thịnh hành. Dù thị trường điện ảnh đang rất khắc nghiệt với sự phân hóa lớn ở khoảng cách doanh thu phim, các đạo diễn Việt không nên chùn bước thử sức với những đề tài mới để phim Việt đa dạng hơn, nhưng quan trọng nhất là phải có sự nghiên cứu sâu, đầu tư tốt, làm thật hay thì sẽ có khán giả". Ở một góc độ khác, Charlie Nguyễn nhìn nhận: "Nếu không có những người tiên phong đi bước đầu tiên, thì điện ảnh Việt sẽ mãi không có thành quả cho một dòng phim, thể loại nào đó".
Bình luận (0)