Chất lượng các phim đều không xuất sắc
Hiện tại, tính đến hết ngày 7.2, Nhà bà Nữ (Trấn Thành đạo diễn) đã đạt doanh thu vượt con số 392 tỉ đồng; trong khi đó, doanh thu của Chị chị em em 2 (Vũ Ngọc Đãng đạo diễn) đã chạm mức hơn 95 tỉ đồng, còn Vong nhi (Hoàng Tuấn Cường đạo diễn) thu được hơn 7,3 tỉ đồng (khởi chiếu từ 3.2).
Sau những nhận định hồ hởi trước doanh thu quá cao của các phim này giúp vực dậy phòng vé sau 2 năm trầy trật vì dịch Covid-19, đến nay cũng đã có nhiều ý kiến bình tâm đánh giá chất lượng thực sự của mùa phim tết. Thực tế cho thấy phim Việt được các nhà phát hành, nhà rạp ưu ái, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về suất chiếu áp đảo để đến gần với khán giả. Phim ngoại chiếu cùng thời điểm có suất chiếu rất ít và chủ yếu ở khung giờ không đẹp. Dù đạt doanh thu cao, nhưng cả Nhà bà Nữ lẫn Chị chị em em 2, Vong nhi đều không phải là những tác phẩm xuất sắc.
Với Chị chị em em 2 - một bộ phim về các cô gái điếm đấu đá vì ngôi vị đệ nhất mỹ nhân, khán giả Ngọc Hiền chia sẻ: "Tôi thật sự mong chờ đây sẽ là một cú hit lớn của điện ảnh bởi một ê kíp lành nghề, nhưng xem phim, ngoài những cảnh phô bày cơ thể, độ chịu chơi cởi đồ của mỹ nhân ra thì không đọng lại trong tôi một giá trị nhân văn nào, thông điệp lại quá phản cảm, thiếu tính giáo dục khi chỉ bày vẽ cách làm gái kiếm tiền đổi đời". Giảng viên điện ảnh Lucas Luân Nguyễn bày tỏ: "Chị chị em em 2 làm tôi bối rối trên mọi phương diện. Nhưng bối rối nhất vẫn là cách phim khai thác đề tài về phụ nữ và tính nữ. Bộ phim này đi lùi khi dệt nên một câu chuyện đi ngược lại những ý niệm về bình đẳng giới cũng như những gì mà chúng ta lên tiếng, góp phần đấu tranh cho hình ảnh người phụ nữ trên truyền thông". Còn nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm bình luận: "Coi xong nản, bởi phim non và vụng quá, mọi thứ trên phim chỉ dừng lại ở sự phù phiếm và nông, nhân vật thì trơ trẽn thớ lợ".
Chị chị em em 2 còn câu khách bằng cảnh nóng được làm theo kiểu không cần thiết khi ngay đầu phim lúc nhân vật Tư Nhị (Ngọc Trinh đóng) bị lấm bùn bẩn trên áo, cô dội nguyên xô nước lên người làm quần áo ướt lộ nguyên vòng 1, hay khi bị Ba Trà (Minh Hằng đóng) coi thường, Tư Nhị liền cởi hết quần áo 100% trên màn ảnh để chứng minh "em rất đẹp" có thể làm bao đàn ông đổ gục… Một fanpage rạp phim và cả nhà sản xuất phim cũng đăng tải video cắt từ cảnh Ngọc Trinh dội nước vào người kèm bình luận "nhạy cảm" khiến bộ phim bị chỉ trích vì sử dụng những cảnh khỏa thân, bán nude của Ngọc Trinh như một khâu để truyền thông, PR phim.
Nhà bà Nữ ngoài yếu tố tâm lý chạm đúng giới trẻ, giúp thị trường điện ảnh Việt hồi sinh qua doanh thu khủng, thì hiện phim đang bắt đầu nhận nhiều lời chê từ khán giả cùng nội dung như: phim nói quá nhiều, đạo diễn thích kể chuyện bằng thoại hơn là hình ảnh, nặng tính kịch như web-drama chiếu mạng, lạm dụng nhiều câu nói tục chửi thề, không phù hợp với khán giả, mâu thuẫn giữa các nhân vật cũng chưa hợp lý, còn mang tính khiên cưỡng khiến người xem cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu thay vì được tận hưởng những phút giây thư giãn… Nhà văn Hạ Nguyên chia sẻ: "Không phải phim cháy vé nào cũng là phim tốt, và ngược lại. Mạch phim của Nhà bà Nữ nhanh cứ như là gộp 5 tập web-drama lại thành 1 file và đó là hệ quả của một kịch bản ôm đồm theo lối chương hồi mà chuyện gì cũng phải kể. Phim còn lạm dụng voice-over (cho nhân vật tự độc thoại) để thao túng tâm lý khán giả, thay vì để cho khán giả tự "đọc" ra những thông điệp kín đáo, cho thấy sự bất lực của đạo diễn trong diễn đạt bằng hình ảnh…".
Trong khi đó, Vong nhi là phim kinh dị Việt đầu tiên ra rạp trong năm, quy tụ dàn diễn viên quen thuộc của màn ảnh nhỏ như Lê Phương, Quốc Huy, Nhật Kim Anh, Hạnh Thúy... Phim không mới với đề tài lên án nạn nạo phá thai do kịch bản bị rời rạc, dàn trải với ba tuyến nhân vật thiếu tính kết nối. Phong cách "hù dọa" của phim còn khá cũ, phần nào rơi vào lối mòn, không đủ "ép phê" so với tính chất một bộ phim thể loại kinh dị.
Điện ảnh Việt vẫn đang "đi lùi"
Bức tranh phòng vé 2022 ảm đạm khiến cho giới đạo diễn, nhà sản xuất phim Việt trăn trở. Có rất nhiều đánh giá tiêu cực về thị trường điện ảnh Việt năm 2022, vì thế trong năm 2023, việc lấy lại niềm tin từ khán giả bằng những tác phẩm chất lượng mang ý nghĩa tiên quyết.
Đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: "Năm 2023 có thể tiếp tục là một năm khó khăn đối với điện ảnh Việt, dù Nhà bà Nữ của Trấn Thành gây choáng ngợp về doanh thu tại các rạp chiếu. Nhiều người làm phim Việt hay thấy phim đề tài này thắng thì đua nhau "vác mai đi đào", nhưng chưa chắc sẽ thành công vì sự lặp lại thiếu tinh tế, thiếu sáng tạo hoặc kém hơn về chất lượng. Thành công phòng vé của 2 phim chiếu rạp dịp tết năm nay không chứng minh rằng điện ảnh Việt đang đi lên. Nó chỉ cho thấy khán giả vẫn chưa thực sự quay lưng mà sẵn sàng ủng hộ, bỏ tiền mua vé xem phim nước nhà. Tuy nhiên, phải ghi nhận rằng khán giả hiện tại đang rất nghiêm khắc với phim nội địa. Vì thế, giới làm phim cũng nên kỹ tính khi lựa chọn dự án xứng đáng, có chất lượng để đầu tư". Theo nhà sản xuất - đạo diễn Nam Cito, điện ảnh Việt hiện tại để lộ nhiều lỗ hổng và cần một khoảng nghỉ để hồi phục, cũng như tìm hướng đi mới mẻ hơn, phù hợp với gu thưởng thức ngày càng nâng cao của khán giả.
Trong năm 2023, một số phim điện ảnh dự kiến phát hành gồm: Móng vuốt, Fanti, Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh, Khi ta 25, Hoa hồng đen, Tết ở làng địa ngục, Công tử Bạc Liêu, Đất rừng phương Nam (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi)… Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, cho biết: "Dự kiến có khoảng 30 - 35 phim Việt sẽ tiếp tục ra rạp trong năm 2023. Dù có những hứa hẹn nhất định, nhưng bao nhiêu phim hoành tráng, phim hay thật sự thì vẫn chưa biết. Mùa phim tết bùng nổ, nhưng thị trường phòng vé nói chung cho tất cả phim Việt vẫn còn nhiều bất ổn và khó đoán định lắm. Để bán vé tốt, câu chuyện phim phải đủ hấp dẫn và tạo hiệu ứng truyền miệng tốt. Việc xuất hiện phim chất lượng thấp ra rạp vào năm ngoái đã phần nào làm giảm lòng tin của khán giả với phim Việt và khán giả sẽ cân nhắc kỹ hơn khi mua vé thưởng thức một bộ phim".
Bình luận (0)