Phổ biến văn hóa qua kênh online còn sơ khai

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/04/2023 07:22 GMT+7

Bộ VH-TT-DL đặt ra nhiệm vụ và giải pháp chấn hưng, phát triển văn hóa VN, trong đó có phát triển mô hình nhà hát online, bảo tàng online và đưa phim Việt lên kênh YouTube của Viện phim VN.

Rút ngắn khoảng cách thụ hưởng văn hóa

Trong cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Bộ VH-TT-DL mới đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành mình phụ trách. Theo đó, Bộ VH-TT-DL xác định nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa VN, từng bước cụ thể hóa vai trò của văn hóa - "hệ điều tiết" trong sự vận động mọi mặt của đời sống.

Cụ thể, Bộ trưởng Hùng báo cáo: "Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai, phát triển các mô hình nhà hát online, bảo tàng online, tổ chức các tuần phim, liên hoan phim theo chủ đề và phổ biến 50 bộ phim VN trên kênh YouTube của Viện phim VN để người dân trên mọi miền Tổ quốc có thể tiếp cận, thưởng thức, từng bước rút ngắn khoảng cách thụ hưởng văn hóa của nhân dân".

Phổ biến văn hóa qua kênh online còn sơ khai - Ảnh 1.

Hình ảnh trong phim Dòng sông hoa trắng trên kênh của Viện phim VN

Chụp màn hình

Còn nhớ, những vấn đề về nhà hát online và phổ biến phim trên kênh YouTube của Viện phim VN cũng đã được Bộ VH-TT-DL đặt ra trong thời kỳ dịch Covid-19. NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), khi đó cho biết Bộ sẽ đặt hàng với nhà hát các chương trình nghệ thuật và phát trực tiếp trên kênh online chung là kênh của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Trên đó, các chương trình biểu diễn có thể được livestream hoặc chia nhỏ để phát lại. Các nhà hát cũng sẽ đẩy các video lên kênh của riêng mình.

Tuy nhiên, sau một thời gian, các kênh YouTube của các nhà hát vẫn chưa có nội dung gì đột phá. Họ vẫn chủ yếu đưa lên các trailer hay trích đoạn vở diễn. Còn chương trình diễn trước, không khán giả mà Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức, phát trên kênh của cục này thì lượng người xem thấp; chỉ nhiều lên đáng kể khi các nghệ sĩ nổi tiếng chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân mình.

Những bộ phim của Viện phim VN đưa lên kênh riêng cũng ngay lập tức gặp rắc rối về bản quyền. Ví dụ, Viện phim VN đã cắt phần thông tin về ê kíp thực hiện của phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông; nhiều bộ phim khác thậm chí còn bị Viện phim VN đóng logo của mình khi đưa lên YouTube. Ngoài ra, nhiều bộ phim của Hãng phim truyện VN không thuộc quyền sở hữu của Viện phim VN cũng được mang ra chiếu. Sau đó, kế hoạch đưa phim lên kênh này đã liên tục phải hủy bỏ.

Phổ biến văn hóa qua kênh online còn sơ khai - Ảnh 2.

Nhà hát Tuổi trẻ có nhiều vở diễn có thể đưa lên mạng nhưng cần hỗ trợ biên tập

Nhà hát Tuổi trẻ cung cấp

Cần kế hoạch tổng thể

Mặc dù Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt ra nhiệm vụ chấn hưng văn hóa qua rút ngắn khoảng cách thụ hưởng nhờ nhà hát số, điện ảnh số như vậy, song để thực hiện còn nhiều vấn đề. Bản thân các đơn vị liên quan cũng chưa có kế hoạch cụ thể để thực hiện nhiệm vụ.

Về việc đưa 50 phim VN lên YouTube của Viện phim VN, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho biết ông chưa có thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ này. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện phim VN, cũng cho biết chứ chưa biết gì. Ông Hoàng chia sẻ nếu thực hiện, Viện phim VN sẽ phải chờ chỉ đạo và hướng dẫn triển khai của Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh. Về hiệu quả của việc đưa phim lên kênh của viện, ông Hoàng nói: "Chúng tôi mới đang làm thử nghiệm trên kênh YouTube". Theo ông Vi Kiến Thành, để đưa phim lên kênh này cần phải có kế hoạch lựa chọn 50 bộ phim; điều này cần được bàn bạc kỹ lưỡng. Các vấn đề về bản quyền cũng phải tính kỹ càng.

Trong khi đó, về phía các nhà hát, với đặc thù vở diễn nên được xem trực tiếp, câu chuyện nhà hát online cũng rất khó. NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương VN, cho biết nhà hát của ông cũng chưa diễn trực tiếp trên kênh riêng dù vẫn quay các trích đoạn vở và đưa lên. "Nếu giờ làm nhà hát online thì phải có cả hệ thống máy móc. Máy móc thì chưa có; người quay, người dựng cũng không có. Chúng tôi mới đưa các video quay vở diễn lên, làm kênh dạng sơ khai", ông Kiên nói.

Bà Cao Ngọc Ánh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết nhà hát cũng chưa đưa các vở diễn lên mạng. Đơn vị của bà sở hữu thế mạnh là có nhà hát để biểu diễn. Vì thế, ngay sau dịch Covid-19, từ ngày 18.3.2022, họ đã quay trở lại diễn bình thường, giữ guồng diễn cuối tuần vào thứ bảy, chủ nhật. "Những vở diễn khi đưa lên online phải được truyền hình hóa, biên tập lại, chứ nếu chỉ quay đơn giản thì sẽ rất nhàm chán về khuôn hình, về tốc độ thoại… Nếu chiếu nguyên một vở kịch lên thì độ hay giảm đến 60%. Đưa lên phải tính nên chúng tôi vẫn diễn ở nhà hát bình thường thôi", bà Ánh nói và cho rằng: "Xu thế số hóa là tất yếu, nhưng nếu tiết kiệm đưa vở diễn lên mà không qua khâu biên tập truyền hình thì sẽ không hiệu quả".

Còn theo ông Triệu Trung Kiên: "Nếu làm nhà hát online thì phải có một cái app, người ta vào đó chọn xem tuồng, chèo hay cải lương; rồi người xem vào đó có giờ, có vé, phải đóng tiền để xem. Cái đó phải có chủ xướng, giao cho một đơn vị thực hiện, các đơn vị khác góp sức, chứ nếu mỗi nhà hát một nhà hát online thì chúng tôi cũng không đủ nguồn lực mà làm kênh như thế".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.