Gia đình tôi dọn về đây đã được 15 năm rồi. Trước kia, đất này là đất gò nông nghiệp, lúa chỉ làm được mỗi năm một vụ, phần còn lại là diện tích ao đìa hoang hóa.
Quận mới thành lập, cơ quan mua được một phần đất, san ủi, làm đường, xây cống thoát nước, cắm trụ điện, phân lô bán cho anh em cơ quan. Tôi may mắn mua được một lô, làm nhà. Phải đến tuổi 55 mới có được một căn nhà riêng, quả là hơi chậm.
Khu phố cách đường lớn khoảng sáu trăm mét, biệt lập, im ắng và khá thoáng mát. Những người về đây ở là công chức, cán bộ hưu trí, viên chức, công nhân lao động có thu nhập không cao. Hộ nào cũng nghĩ đến việc tạo bóng mát cho nhà mình, cho những lối đi nội bộ thêm xanh tươi.
tin liên quan
Nốt trầm giữa phố xa Sài GònNói về quán xá ở Sài Gòn thì khó mà kể hết tên bởi có hàng trăm phong cách.
Nhà xây không cao, nhiều cây xanh nên có chỗ cho lũ chim về yên tâm làm tổ, sinh sống. Tôi gọi nơi đây là phố chim về. So với những nơi khác của thành phố lớn nhất nước này, nơi đây có thể còn thua xa về mức độ phát triển nhưng lại đầm ấm hơn bởi còn có tiếng chim hót quanh năm.
Loài nhiều nhất ở đây là chim sẻ. Chim sẻ về làm tổ trong những hốc nhà, những khoảng trống của tường vách mà người thợ xây không thể đưa chiếc bay vào để trám trét.
Chúng không bị ai chiếu đèn pin bắt ban đêm, cũng không bị ai bẫy lưới ban ngày nên sinh sôi nảy nở khá nhanh. Chúng họp nhau thành bầy, buổi sáng cỡ 5 giờ đã thức giấc “trò chuyện” trên mái hiên rồi mới bay đi kiếm ăn. Buổi chiều trước 6 giờ, chúng đã quay về tổ.
Tôi hay ra ngã tư đầu xóm, uống cà phê bình dân. Bầy chim sẻ thật dạn dĩ bay sà xuống, nhảy nhót đi tìm những hạt gạo hay chút vụn bánh mì, bánh tráng của trẻ con ăn sáng rơi xuống đường.
Chúng luẩn quẩn kiếm ăn cạnh bàn cà phê tôi ngồi vài mét, người không ai dọa chim, chim không làm gì hại người. Uống cà phê xong, tôi trở về, vẫn thấy vài con chim sẻ kiếm ăn trong nhà mình. Nơi ấy, hai con chó ăn còn thừa hạt cơm, mẩu bánh, lũ chim sẻ nhảy vào ăn giúp. Chúng vừa ăn, vừa gọi những con chim sẻ khác cùng vào ăn.
Trong những buổi chiều mưa hay những hôm trời trở lạnh, bầy chim sẻ đi ngủ sớm. Chúng nấp dưới mái hiên, nói chuyện với nhau, âm thanh của cuộc chuyện trò có vẻ lo lắng một chút. Trong một góc phòng làm việc, tôi bảo con tháo bỏ hẳn cái quạt hút gió, chừa ra một khoảng trống lấy không khí thiên nhiên. Bầy chim sẻ tự do vào đó cư trú, làm tổ, tránh mưa gió. Ngày nào cũng vậy, tôi mở cửa ngăn ra đều nghe được tiếng chim trò chuyện.
Cuối tháng 12, mùa xuân phương Nam sắp về. Bọn chim huýt cô không biết từ đâu bay đến, đậu trên những tàn cây, gọi bầy, phối giống. Chim huýt cô mình lớn cỡ chim sẻ nhưng mỏ nhọn và chiếc đuôi dài hơn; nhảy nhót, quyến rũ nhau xem rất sinh động.
Mùa xuân là mùa giao phối của chúng nên tiếng hót của những con trống vang xa lảnh lót. Tiếng hót loài huýt cô có đến 8 phách, bốn phách đầu khoan thai, bốn phách sau dồn dập theo một âm hình riêng biệt, không lẫn vào đâu so với bài hót của các loài chim khác. Người Pháp hình tượng hóa tiếng hót loài chim này thành câu như sau “Père, mère, frère, soeur tout est perdu” - Ba, mẹ, anh, chị thất lạc hết rồi.
Tiếng chim hót làm tôi nhớ lại những ngày thơ ấu giữa làng quê miền Trung. Ngày ấy, tôi đi chân trần, lẻn vào các vạt rừng thấp, tìm hoa và trái dủ dẻ, nghe tiếng huýt cô hót trên tàng cây xanh. Thoắt một cái mà sáu mươi năm trôi qua. Tiếng chim huýt cô trữ tình, đầy nhạc tính, long lanh nỗi nhớ thân quen đã thật đáng yêu nay lại vang lên giữa một thành phố phồn hoa đô hội. Món quà tặng đó của thiên nhiên thật vô giá đối với đời người.
Sau mùa chim huýt cô về là tới mùa cu đất. Những con cu đất nhỏ, thân hình ốm nhách, không biết sinh ra từ khi nào, bay về đây đậu thành cặp một trống một mái trên những đường dây điện. Con cu trống chưa trổ cườm, bắt đầu tập gáy; tiếng gáy nghe lờ lợ, ấm ớ vừa dễ thương, vừa tức cười.
Buổi sáng, chúng cũng sà xuống mặt đường kiếm ăn như bầy chim sẻ, khá dạn dĩ và tự tin. Tiếng xe gắn máy của ai đó chạy ngang qua cũng không làm chúng hoảng sợ. Chúng chỉ né sang một bên rồi vẫn lững thững bước đi, đôi mắt chăm chăm nhìn xuống đất kiếm ăn chăm chỉ.
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến loài chim sâu trong những chiều hè nóng bức. Những cặp chim sâu ức có màu lông vàng nghệ, thân hình chỉ nhỉnh hơn cái hột mít một chút, thoăn thoắt chuyền trên những cành lá xanh, miệng hót không ngớt.
Có lẽ chúng là loài chim thương yêu nhau khắng khít nên bay đến đâu cũng một trống một mái. Nhỏ nhất trong các loài chim nhưng chúng linh động một cách kỳ lạ. Những lứa đôi ấy chia nhau từng con sâu, con bọ trên cành. Buổi chiều xuống ngồi nghe chim sâu hót, ta thấy cuộc sống bỗng dưng sinh động, dễ thương.
Khu phố này thật đúng với câu “đất lành chim đậu”. Chẳng ai chọc phá, làm hại chim nên nhiều loài chim về đây sinh sống, ca hót. Giữa một thành phố đông đúc ầm ì tiếng người và xe, tiếng chim hót trong bình minh, buổi trưa hay chiều vàng trở thành một thứ gì quý hiếm, mới lạ.
Tiếng chim hót tự nhiên trên tàng cây, dưới hiên nhà, trên đường dây điện hạ thế nghe đẹp và thanh thoát hơn nhiều so với tiếng chim hót trong lồng. Bởi vì nó có tự do, không cần đến ai “mồi” cho nó hót và bởi vì tiếng hót đó cất lên không phải vì ganh tị, khoe mẽ với các con chim đồng loại.
Tôi là một người nhà quê, lớn lên trong hòa âm điền dã của thiên nhiên, trong đó có tiếng chim hót giữa rừng núi, trên nương rẫy. Cái hòa âm đó đi theo, còn đọng lại mãi trong ký ức đời người. Mỗi loài chim cất tiếng hót lên là trí tưởng nhớ ra những hình ảnh rất quen thuộc, thơ mộng. Nhiều năm xa quê nhà, may mắn được sống trong một khu phố yên tĩnh giữa một thành phố lớn, còn thấy được chim về, còn nghe được tiếng chim hót là một điều hạnh phúc.
Ở Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) những đàn sếu đầu đỏ xứ lạnh năm nào cũng thiên di tránh rét về đây, nhảy nhót, giao phối, kiếm ăn, vẽ lên một hình ảnh sinh động mới trên mảnh đất phía nam của đất nước.
Ở Kiên Lương (Kiên Giang), năm nào cũng có hồng hạc phương Bắc thiên di về, tạo nên sức sống mới cho vùng biển Tây thơ mộng. Trong các vườn chim, sân chim ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, các loài cò, giang sen, già đảy, diệc, cồng cộc sinh sống bên con người, làm nên chất thơ cho bưng biền tây Nam bộ. Đất lành chim đậu, chim đến bên người sinh sôi, nảy nở, sáng bay đi kiếm ăn, chiều quay về ngủ trở thành biểu tượng của một đất nước hòa bình, nhân hậu.
Thi thoảng đi qua một vài nơi, tôi thấy người ta cột chân những con chim quốc, chàng nghịch, ốc cao, cò, giang sen bày bán ven đường. Tôi hiểu cuộc sống bà con ta còn khó khăn nhưng chuyện bắt chim, bẫy chim đem bán làm mồi nhậu thì quả là bất công với thiên nhiên và làm mất cân đối sinh thái môi trường.
Thịt của chúng có bao nhiêu đâu. Ta ăn uống bao nhiêu mà nỡ làm hại loài chim thơ dại, nhỏ nhắn? Chim sống giữa đời người nào có làm hại gì đến chúng ta đâu?
Bình luận (0)