Phó chủ tịch nước đề nghị giám sát khiếu kiện đất đai sau vụ Đồng Tâm

22/04/2017 15:27 GMT+7

Thời gian tới cần quan tâm giám sát vấn đề khiếu nại tố cáo về đất đai sau vụ việc nóng ở xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội).

Đây là ý kiến được Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 22.4, xem xét dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018.
Báo cáo tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã đưa ra 4 tiêu chí để lựa chọn nội dung giám sát, là những vấn đề bức xúc nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, không trùng với các chuyên đề giám sát đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát trong thời gian 18 tháng, tính đến thời điểm đề xuất…
Các nội dung giám sát cũng cần bảo đảm cân đối, phù hợp giữa các lĩnh vực là tiêu chí thứ 3, có phạm vi giám sát phù hợp với điều kiện thực hiện của các cơ quan của Quốc hội.
Từ 196 nội dung giám sát được các cơ quan đề xuất, Tổng thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4/6 nội dung cụ thể để trình Quốc hội gồm: (1) Sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, xử lý đối với các dự án, công trình trọng điểm kém hiệu quả, thua lỗ; (2) Quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; (3) Xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; (4) Thực hiện luật Thủ đô; (5) Thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và (6) Thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng.
Cho ý kiến về vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị bổ sung thêm chuyên đề giám sát thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân trong việc thu hồi đất, nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội. “Đây là vấn đề bức xúc đang nổi lên và thực tế hiện nay khiếu nại tố cáo xung quanh việc thu hồi đất đai trong thực hiện còn nhiều bất cập”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, thời gian qua hoạt động giám sát đã được thực hiện rất tích cực. Tuy nhiên giám sát lại nội dung thực hiện kiến nghị của các đoàn giám sát thế nào chưa được đề cập nhiều.
Phó chủ tịch nước dẫn chứng việc năm 2012 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã giám sát vấn đề xâm hại trẻ em và đã có những kiến nghị cụ thể, nhưng việc thực hiện những kiến nghị đó như thế nào chưa có đánh giá.
“Đối với vấn đề khiếu kiện thu hồi đất đai thì vấn đề này cũng đã được giám sát kiến nghị, nhưng việc thực hiện những kiến nghị đó như thế nào? Đây cũng là những vấn đề đang rất nóng xung quanh chuyện Mỹ Đức xu hướng lây lan địa bàn khác. Đề nghị đây là vấn đề quan tâm giám sát thời gian tới”, Phó chủ tịch nước đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo bà Nga, năm 2012 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã thực hiện giám sát vấn đề này trong giai đoạn 2009 - 2011, từ đó đến nay tình hình bạo lực xâm hại trẻ em không giảm mà có dấu hiệu tăng thêm. Bà Nga đề nghị vấn đề này nếu không giám sát ở cấp Quốc hội thì ít nhất phải được giám sát ở tầm Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo sức nặng.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn các chuyên đề về cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nợ nước ngoài và bổ sung phòng chống bạo lực trẻ em và thực hiện chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.