Phố không cửa sổ

22/12/2019 06:03 GMT+7

Những căn nhà phố không có tầm nhìn ở hai bên. Phía trước và phía sau đôi khi cũng bị bịt kín. Ngày cũng như đêm, nắng không thể lọt vào phòng, gió chẳng thể ghé thăm. Con người ta có vì thế mà khó mở lòng, cho và nhận?

Nhà san sát, người xa nhau

Nhiều người mưu sinh lâu năm ở Sài Gòn nói với tôi: “Ở phố muốn kiếm một căn nhà có cửa sổ như dưới quê khó lắm”. Đúng là khó thật! Những căn nhà phố không có cửa sổ hai bên. Đằng trước, đằng sau nhà cũng không có cửa sổ, tất cả đều bị bịt kín vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều nhà cũng thích lãng mạn, thích thoáng đãng nên đầu tư xây ban công đầy đủ, chăm thêm vài chậu hoa, nhưng dần dần ban công cũng bị đập bỏ, thay thế bằng những bức tường hoặc kính cường lực, bởi tấc đất là tấc vàng mà.
Nhà không cửa sổ nên không khí trong nhà chẳng biết thoát đi đâu. Quạt máy, máy lạnh, đèn được sử dụng tối đa. Nhà không có chút nắng, chút gió. Nhà này cách nhà kia một bức tường - một khoảng cách đủ xa để người ta khó lòng bước qua.
 Phố không cửa sổ1

Thành phố không thiếu những tòa nhà cao tầng, chỉ thiếu sự giao tiếp, gần gũi giữa người với người

Ảnh: Nâu

Có phải bên trong những căn nhà không cửa sổ, người ta dần dà sống khép kín, không có nhu cầu trao đổi, chào hỏi nhau, càng không có nhu cầu “tối lửa tắt đèn có nhau”? Ngày bình thường đi làm từ sáng đến khuya. Ngày lễ tết cũng có gặp nhau đâu mà gửi một lời chúc. Sài Gòn mà, nhà này đâu có biết nhà kia ra sao. Vách sát vách, vậy mà nhà kế bên có chuyện vui chuyện buồn, chẳng ai hay. Có bất kể chuyện gì cũng sẽ tìm cách khác giải quyết chứ nhất định không gõ cửa nhà hàng xóm.

Một tiếng gõ cửa, người lạ thành quen

Cửa sổ phải chăng cũng là một sự giao tiếp? Sáng sớm thức dậy, mở tung cửa sổ, để nắng lọt vào phòng, nhìn những hạt bụi bay vẩn vơ, thỉnh thoảng nở nụ cười thay lời chào với người hàng xóm. Nhà không cửa sổ, nhiều khi sống đến mấy năm cũng không biết mặt mũi hàng xóm là ai thì lấy đâu ra một câu chào hay một nụ cười.
 Phố không cửa sổ2

Những tòa nhà chen chúc nhau có làm con người ta xa nhau không?

Ảnh: Nâu

Sự thiếu vắng của một ô cửa sổ đôi khi chứa đựng trăm ngàn nỗi cô đơn, mà cô đơn thì chẳng dễ chịu tí nào. Thỉnh thoảng, tôi nghe từ nhà bên cạnh tiếng cười rộn rã hay tiếng một cái ly vỡ tan tành, tiếng nắm tay đấm vào tường và cả tiếng khóc nấc của cô gái trẻ. “Chắc là khóc vì nhớ quê hay bị sếp mắng hay là vừa chia tay người yêu?” - tôi đoán mò chứ chẳng dám bước qua ranh giới những cánh cửa mà hỏi thăm. Những hôm đang nấu nướng, có thiếu quả chanh, chút mắm muối, tôi cũng khoác vội áo đi ra siêu thị gần nhà mua chứ chẳng thể ngỏ lời hỏi nhà kế bên.
Cứ như thế cho đến một hôm, Sài Gòn mưa gió rất to, tôi ở tận lầu 5 nhưng mưa vẫn tạt thẳng vào phòng mà tôi lơ đễnh nào có biết, cho đến khi có tiếng gõ cửa: “Em ơi nước vào phòng rồi, tạt nước ra mau lên chứ không là đêm nay khỏi ngủ nha”. Là tiếng của chị hàng xóm. Vậy là sau 2 năm ở cùng nhà, cùng tầng lầu, chúng tôi mới có cuộc nói chuyện đầu tiên, đúng hơn là vừa tạt nước, vừa nói chuyện. Đêm mưa gió đó, tôi thấy ấm lòng lắm.
Sau lần đó, đôi lần tôi mạnh dạn gõ cửa phòng chị: “Em nói chuyện với chị một lát được không, ở đây toàn người lạ, nhà ai cũng đóng cửa kín mít, sao khó kiếm người nói chuyện quá”. Chuyện này nối tiếp chuyện kia, tôi có thêm một người thân quen ở Sài Gòn. Tôi đã một lần bước qua ranh giới của những cánh cửa để xua đuổi nỗi cô đơn giữa phố thị.
Phố không cửa sổ4

Sài Gòn nhìn hào nhoáng thế thôi chứ nhiều câu chuyện thân tình lắm

Ảnh: Nâu

Một câu mở lời tưởng bâng quơ hoàn toàn có thể kéo theo một cuộc tâm tình suốt bốn tiếng đồng hồ giữa hai người xa lạ. Rồi từ những xa lạ ta trở thành tri kỷ lúc nào chẳng hay. Hoặc đơn giản, có thêm một người hỏi han: “Hôm nay sao về muộn thế em? Công việc thế nào? Ổn không? Nhà chị dưới quê mới gửi lên ít trái cây, ăn cùng cho vui này”. Như vậy chẳng phải tốt lắm sao. Nhà không cửa sổ, nhưng chúng ta vẫn có cách khác để mở cửa sổ tâm hồn của mình phải không? Và những người bạn đó, những người hàng xóm đáng yêu đó biết đâu cũng chính là một món quà mà Sài Gòn cố tình ban tặng những tâm hồn cô đơn.     
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.