Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Làm cầu phao thay tạm cầu Phong Châu

Mai Hà
Mai Hà
09/09/2024 14:59 GMT+7

Sáng 9.9, ngay sau khi nhận được tin báo về vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Sau khi khảo sát hiện trường tại vị trí sập cầu Phong Châu, trưa 9.9, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp ngay tại Sở chỉ huy để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Làm cầu phao thay tạm cầu Phong Châu- Ảnh 1.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc kiểm tra hiện trường vụ sập cầu Phong Châu trưa nay

ẢNH: VGP

Phó thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát số lượng phương tiện, nạn nhân. Theo báo cáo hiện có khoảng 5 ô tô, 2 xe máy với khoảng trên 10 người rơi xuống khi cầu sập. Trong đó, có 3 người đã được vớt. 2 người đang cấp cứu, 1 người đã về nhà.

Kinh hoàng phút sinh tử trong sập cầu Phong Châu: 'Như được sinh ra lần thứ hai'

Về giao thông, Phó thủ tướng đề nghị, đối với cầu Phong Châu, phải ngăn đường bằng rào cứng, đặt biển báo, ứng trực không cho phương tiện đi vào.

Đồng thời, làm biển cảnh báo, hướng dẫn đường tránh cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường biết.

Về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trước mắt tìm kiếm ven bờ, khi điều kiện cho phép sẽ triển khai tìm kiếm người và phương tiện.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ và Ủy ban MTTQ tỉnh tập trung cứu chữa, động viên người bị nạn và thân nhân. Tổ chức di dời dân khi lũ lụt dâng cao, đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt; kịp thời báo cáo lãnh đạo Chính phủ khi có vấn đề xảy ra.

Giao Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 2 làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông; chủ trì công tác tìm kiếm cứu hộ, phù hợp với điều kiện thời tiết cho phép.

Ông cũng yêu cầu Bộ GTVT đánh giá nguyên nhân sập cầu; nghiên cứu xây dựng cầu mới bảo đảm vững chắc, lâu bền.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Làm cầu phao thay tạm cầu Phong Châu- Ảnh 2.

Đến chiều 9.9 nước sông Hồng vẫn chảy rất siết, 1 nhịp cầu Phong Châu sập bị cuốn vào gần bờ

ẢNH: TRẦN CƯỜNG

Cạnh đó, tỉnh Phú Thọ phân công từng nhóm cán bộ, đánh giá các điểm có khả năng ngập lụt, di dời dân ngay; hạn chế thấp nhất thiệt hại. Tập trung đề xuất cấp gạo, phương tiện (xuồng, máy phát điện)… để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Chị Đinh Thị Mai (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) đau đáu chờ người thân sau vụ sập cầu Phong Châu - Thực hiện: Trần Cường - Nguyễn Trường

Trước đó, thông tin liên quan vụ sập cầu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang báo cáo, cầu Phong Châu là tuyến huyết mạch của khu vực này.

Ông đề nghị Chính phủ xem xét kinh phí để bố trí sửa chữa như cầu Ghềnh (cầu đường sắt) trước đây bị sập để triển khai làm cầu mới ngay. Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm xây dựng phương án kỹ thuật với cầu mới.

Với phương án di chuyển tạm thời, trước mắt ông đề xuất làm cầu phao cho các phương tiện di chuyển trên tuyến.

Theo báo cáo của Sở GTVT Phú Thọ, cầu Phong Châu được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995. Cầu trải qua 2 lần sửa chữa 2013 và 2019, tới năm 2023 cầu Phong Châu tiếp tục được sửa chữa nhỏ.

Bà Đỗ Thị Hồng (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) nói về vụ sập cầu Phong Châu - Thực hiện: Trần Cường - Nguyễn Trường

Về nguyên nhân sơ bộ gây sập cầu, theo Sở GTVT Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi) gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7) vào lúc 10 giờ sáng nay 9.9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.