Sáng 9.11, tại TP.Pleiku (Gia Lai), Ủy ban Dân tộc tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 khu vực miền Trung - Tây nguyên và đề xuất nội dung chương trình giai đoạn 2026 - 2030. Dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư các chương trình MTQG; ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai.
Hơn 22.564 tỉ đồng phát triển KT-XH
Khu vực miền Trung - Tây nguyên gồm 16 tỉnh, thành phố, bao gồm 445 xã khu vực 1, 66 xã khu vực 1 và 476 xã khu vực 3, với 3.243 thôn đặc biệt khó khăn. Phần lớn khu vực là miền núi, điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung với nhiều thành phần dân tộc khác nhau, sinh kế còn nhiều khó khăn.
Giai đoạn 2021 - 2024, nguồn lực thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi các tỉnh khu vực miền Trung và Tây nguyên được giao hơn 22.564 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư hơn 20.500 tỉ đồng. Đến nay đã giải ngân được hơn 60%.
Trong 9 nhóm mục tiêu (với tổng cộng 25 chỉ tiêu) có 4 nhóm mục tiêu cơ bản đã hoàn thành, gồm: Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS; nhóm mục tiêu về lĩnh vực giáo dục; nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; mục tiêu về thu nhập bình quân của người DTTS…
Về tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào DTTS, đến nay bình quân đạt 5,2%/năm, dự kiến đến hết giai đoạn đạt bình quân 4,7%/năm.
Thu nhập bình quân đạt 34,5 triệu đồng/người/năm
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng hành ủng hộ của nhân dân 16 tỉnh trong thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, nhờ vào những chính sách hỗ trợ thiết thực và hiệu quả, đồng bào DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia vào các chương trình phát triển KT-XH, các hoạt động cộng đồng, góp phần vào việc duy trì an ninh trật tự tại địa phương.
Qua thực hiện chương trình, đời sống đồng bào được nâng lên đáng kể, hộ nghèo giảm, hạ tầng phát triển, diện mạo vùng dân tộc, miền núi thay đổi nhiều. Nhiều địa phương đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sinh kế, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân tăng đáng kể, đạt trung bình 34,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2019.
Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là chương trình được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo T.Ư và các bộ, cơ quan T.Ư quyết tâm cao, tích cực xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Qua 4 năm thực hiện, chương trình đã góp phần rất quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của các địa phương, đặc biệt là các địa phương có vùng đồng bào DTTS và miền núi".
Để kịp thời báo cáo, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện giai đoạn 2 của chương trình (từ năm 2026 – 2030), Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành và các tỉnh miền Trung và Tây nguyên tiếp tục rà soát hành lang pháp lý, đề xuất, xác định các dự án thiết thực, trong đó tập trung vào các dự án có tác động thúc đẩy.
Theo Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, nên có thứ tự ưu tiên đối với các dự án, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cần đặc biệt quan tâm tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, giám sát, triển khai dự án; chủ động quyết định các chính sách cụ thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn triển khai, bảo đảm phù hợp mục tiêu chung của chương trình và điều kiện thực tiễn.
Tại Gia Lai hiện có hơn 23.000 hộ nghèo (với 107.351 khẩu), chiếm tỷ lệ 6,07% dân số. Trong đó, tổng số hộ nghèo đồng bào DTTS ở Gia Lai hơn 21.000 hộ (99.153 khẩu). Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS chiếm 12,71%.
Năm 2024, kinh phí chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Gia Lai có tổng dự toán hơn 371,7 tỉ đồng. Tính đến ngày 31.10, kinh phí giải ngân hơn 177,8 tỉ đồng. Các địa phương của Gia Lai đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: cho vay vốn, hỗ trợ việc làm…
Bình luận (0)