Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tái cơ cấu có lợi hơn cho phá sản"

14/06/2013 17:46 GMT+7

(TNO) Chiều 14.6, trong phiên chất vấn của Quốc hội, đề cập đến việc tái cơ cấu nền kinh tế, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Tái cơ cấu có lợi hơn cho phá sản".

(TNO) Nhiều vấn đề nóng như tái cơ cấu nền kinh tế, tập đoàn nhà nước, dự án bô xít, phòng chống tham nhũng... đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt ra trong phiên chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 14.6.

Vinashin vẫn còn lỗ rất nặng

ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay như thế nào và liệu có tình trạng lợi ích nhóm hay không?

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận việc tái cơ cấu nền kinh tế chậm so với dự tính. Lý do chậm, theo ông Phúc, là do tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề rất lớn và động đến nhiều vấn đề khác; trong khi nhân lực lại chưa đáp ứng được nhu cầu tái cơ cấu.


Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

"Quy trình tái cơ cấu chậm cũng bắt nguồn từ thị trường trong nước và trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp chúng tôi cũng muốn cổ phần nhưng ít người mua lắm", ông Phúc nói.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra những điều mà quá trình tái cơ cấu nền kinh tế làm được. Đó là việc tái cơ cấu quyết liệt đã tạo ra tính thanh khoản tốt hơn cho ngành ngân hàng, củng cố niềm tin đối với người gửi tiền.

Ngoài ra, việc tái cơ cấu đã khiến 6/9 tập đoàn được duyệt điều lệ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lớn cũng được cổ phần hóa.

 

Cũng có ý kiến là tại sao khó khăn không cho phá sản đi mà phải tái cơ cấu. Báo cáo Quốc hội giữa tái cơ cấu và phá sản cái nào có lợi hơn?

Chúng ta phải hiểu rằng Vinashin là tập đoàn 100% vốn nhà nước. Nếu như ông phá sản thì nhà nước phải trả nợ thay. Mà trả nợ thay như thế thì chúng ta vừa mất tiền, mất uy tín, tín nhiệm thấp và đặc biệt là trên 30.000 người công nhân không ổn định cuộc sống. Xét đến cùng tái cơ cấu vẫn có lợi hơn.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

"Thời gian tới, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường hệ thống tín dụng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp", ông Phúc nói.

Liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lại quá trình hình thành của tập đoàn này để một số ĐBQH nắm và nêu rõ việc đổ vỡ của tập đoàn này là do yếu kém trong quản lý, đầu tư dàn trải.

"Báo cáo QH, Đảng và Nhà nước đã xử lý nghiêm vụ này. Cụ thể là đã bắt giam Phạm Thanh Bình và các cá nhân liên quan. Và như vậy có thể nói pháp luật sẽ xử lý nghiêm khắc những cán bộ để thất thoát, lãng phí vốn tại tập đoàn", ông Phúc nhấn mạnh.

Liên quan đến tái cơ cấu Vinashin, ông Phúc cho hay việc tái cơ cấu diễn ra trong tình hình kinh tế khó khăn và thị trường vận tải giảm rất mạnh. Nhiều công ty đóng tàu lớn trên thế giới đều đang thua lỗ.

Đến nay, trong tổng số 216 doanh nghiệp thuộc Vinashin, nhà nước đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp. Lao động hiện còn khoảng 29.000 người, giảm 41.000 người. Trong ba năm, Vinashin đã đóng và bàn giao 170 tàu lớn, trong đó xuất khẩu 66 tàu lớn với tổng số tiền 1,215 tỉ USD.

"Nếu chúng ta không cố gắng đóng và bàn giao 170 tàu này thì số nợ ở Vinashin phải thêm 10.000 tỉ đồng nữa", ông Phúc nói.

Vấn đề nữa ở Vinashin là tái cơ cấu lại nợ. Đến nay đã có 19 ngân hàng trong nước giảm nợ cho Vinashin. Còn số tiền 750 triệu USD và 600 triệu USD mà doanh nghiệp này tự vay cũng được đàm phán lại và giảm được 30%.

Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những khoản giảm nợ này rất lớn. Có những khoản nợ 40 triệu USD nay được tập đoàn mua lại với giá 9 triệu USD. Kết quả tái cơ cấu nợ là tiền đề để tái cơ cấu Vinashin.

Ông Phúc nói: "Báo cáo QH và ĐB Phạm Như Tiến, hiện nay Vinashin vẫn còn lỗ rất nặng và việc tái cơ cấu vẫn còn chậm. Hiện nay phương án tái cơ cấu đã được trình lên. Sẽ giữ lại 8 doanh nghiệp nòng cốt và 8.000 công nhân có tay nghề cao. 216 doanh nghiệp không giữ thì chúng ta sẽ bán cổ phần, chuyển nhượng. 166 doanh nghiệp không cần vốn chủ sở hữu thì cho phép bán".

Dự án bô xít vẫn mang lại hiệu quả

Liên quan đến tính hiệu quả của hai dự án bô xít ở Tây Nguyên, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương của Đảng là khai thác nguồn tài nguyên này dựa trên ba cơ sở: hiệu quả kinh tế, công nghệ tiên tiến, đảm bảo vấn đề môi trường.

"Ở QH có đồng chí Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, chủ đầu tư dự án và triển khai công trình này. Tôi đề nghị đồng chí Trần Xuân Hòa phát biểu trước QH về tính hiệu quả của dự án này", ông Phúc đề nghị.

Tuy nhiên lời đề nghị này đã bị Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bác với lý do để chủ đầu tư phát biểu về tính hiệu quả sẽ không khách quan. Ông Hùng kiến nghị đây là trách nhiệm của Chính phủ nên để Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu về vấn đề này.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay tại kỳ họp này, Bộ Công thương đã có báo cáo rất chi tiết về hiệu quả, tiến độ của hai dự án, từ đó cũng phân tích lý do, nguyên nhân về việc chậm tiến độ, các phương pháp tính về hiệu quả.

Theo ông Hải, do điều kiện khủng hoảng của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu sử dụng nhôm, alumin giảm, từ đó tác động đến giá bán. Với tính toán "hết sức bảo thủ" của Bộ Công thương, tức là tính toán "cuộc đời" của dự án là 30 năm, đối với dự án Tân Rai, với giá thành 379 USD/tấn alumin, dự án này vẫn còn hiệu quả tuy thời gian lỗ lũy kế kéo dài từ 3 năm lên 5 năm và hiệu quả thu hồi vốn cũng bị kéo dài.

Về phương án vận tải, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải và các UBND địa phương lên phương án. Trong thời gian qua, các dự án này được triển khai rất khẩn trương tuy rằng có một số lý do nên dự án bị chậm.

"Tôi rất hiểu ĐB Trần Du Lịch chưa yên tâm liệu hiệu quả dự án có được đảm bảo hay không. Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến này để chỉ đạo các bộ, đặc biệt là chủ đầu tư, sẽ phải theo dõi đánh giá thường xuyên dự án để vừa tiết kiệm vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả của dự án", ông Hải nói.

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, với một dự án có thời gian đầu tư dài như vậy nếu chủ đầu tư không quản lý chặt chẽ, có phương án hiệu quả thì dự án rất dễ bị đổ bể. Chưa kể, thị trường thế giới hiện nay rất dễ biến động.

Về Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay cũng đang tái cơ cấu rất mạnh mẽ.

Năm 2012, doanh thu của doanh nghiệp này 21.100 tỉ đồng. Năm 2013, Vinalines đã thoái vốn được ở 16 doanh nghiệp, hoàn thành cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, hoàn thành phương án tài chính và tái cơ cấu nợ, bán được một số tàu cũ không hiệu quả, bố trí lại nhân sự...

Năm 2014 dự tính sẽ tiến hành cổ phần một số cảng Nghệ Tĩnh, Sài Gòn, Cam Ranh, các công ty vận tải biển Vinalines, thoái vốn tại 14 doanh nghiệp...

 Đình Quân

>> Thảo luận tại Quốc hội: Cần hiến định tất cả quyền lực thuộc về dân
>> Thảo luận tại Quốc hội: Nới bội chi, tháo gỡ tồn kho
>> Quốc hội thảo luận luật Thuế TNDN sửa đổi: Cần giảm thuế suất xuống 20%
>> Sẽ báo cáo Quốc hội tình hình biển Đông
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước
>> Đại biểu Quốc hội góp ý Điều 4 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
>> Ngày mai, khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII
>> Trình Quốc hội phương án về tên nước trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.