|
Đây là một trong những vấn đề mà nhiều nhà khoa học hàng đầu trong tỉnh và trong nước quan tâm, góp ý cho Đà Lạt trong 3 hội thảo khoa học được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức liên tiếp chỉ trong hơn 20 ngày qua.
Theo như TS.Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam, Đà Lạt có sẵn sự độc đáo “trời cho”, đó là “vùng khí hậu ôn đới trong miền nhiệt đới” – có thể ví như chiếc máy lạnh tự nhiên giữa vùng nắng nóng. Tính chất khí hậu đó đã tạo ra một vùng sinh thái pha trộn giữa rừng ôn đới với rừng nhiệt đới. Ở Việt Nam, chỉ Đà Lạt mới có những vạt rừng thông thẳng tắp; Đà Lạt hấp dẫn bốn mùa bởi cảnh quan núi rừng và khí hậu quanh năm mát mẻ. Trong suốt 120 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt được mệnh danh như sự mặc định “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Điều quan trọng làm nên “thương hiệu” này chính là rừng thông. Nói đến Đà Lạt, tất cả đều nghĩ ngay đến những cánh rừng thông. Nơi ấy có những con đường uốn lượn cùng những ngôi nhà thấp thoáng dưới tán thông. Nói như GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, rừng thông bạt ngàn của Đà Lạt như một cỗ máy khổng lồ tinh lọc bầu không khí trong lành cho lá phổi… Vậy nhưng trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan mà số lượng của rừng thông ở thành phố này đang dần sụt giảm, nhiều đồi thông cũng đã biến mất khiến cho những ai yêu mến Đà Lạt thêm phần lo lắng và mong được gìn giữ, phục hồi.
TS.Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp của TP.Đà Lạt hơn 230.000 ha (trong đó có 55.357 ha rừng đặc dụng, 97.937 ha rừng phòng hộ, 77.643 ha rừng sản xuất); đây là điểm đặc thù của “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” rất thuận lợi để phát triển du lịch. Góp ý cho phát triển Đà Lạt hiện đại, KTS.Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, nói: Tiềm năng của Đà Lạt là rừng, địa hình thiên nhiên, thời tiết, khí hậu mát mẻ với sương mù và tiếng vi vu của rừng thông… nếu không khai thác sẽ rất lãng phí. Công tác quy hoạch trước hết phải xác định khu vực xây dựng không ảnh hưởng đến rừng thông hoặc nếu có thì cần có giải pháp giảm thiểu tác động. Nghệ thuật của người làm công tác quy hoạch phải làm sao để vừa đảo bảo tầm nhìn vừa dùng rừng che chắn kiến trúc.
Trong khi đó, GS.Hoàng Đạo Kính thì cho rằng, trước tiên hơn 230.000 ha rừng (đồi núi, sông hồ, thảm thực vật, sinh vật) trên tổng diện tích 336.000 ha của thành phố mở rộng, phải được coi là tài nguyên thiên nhiên vô giá và đặc trưng, một tiềm năng nổi trội, phục vụ cho sự cho phát triển. Tài nguyên này quyết định tính chất, cấu trúc không gian, tính riêng biệt, và sau hết, hình thái, diện mạo đô thị, với vai trò là yếu tố cảnh quan. Cũng theo GS.Hoàng Đạo Kính, một khi quỹ tài nguyên rừng được duy trì, con cháu mai này mới có cơ may vừa tiếp tục sở hữu “gia sản” ấy, vừa được sống trong một đô thị có cấu trúc đan quyện, cộng sinh, tạo nên bởi thiên nhiên ít bị tổn thương…
Gia Bình
>> Đà Lạt phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh
>> Phong cách Đà Lạt
>> Tuần văn hóa du lịch 2013 tại Đà Lạt
>> Phải sớm giải tỏa chợ đồ cũ Đà Lạt
Bình luận (0)