Phối hợp các đội hình thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục bão, lũ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
12/09/2024 07:00 GMT+7

Phát biểu tại buổi làm việc với 20 tỉnh thành Đoàn, nơi bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đã đề nghị các địa phương phát huy tinh thần xung kích để giúp người dân sau bão, lũ.

Chiều 11.9, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã làm việc với 20 tỉnh thành Đoàn khu vực phía bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Chủ trì buổi làm việc có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN. Tham gia buổi làm việc có đại diện các tỉnh thành gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng.

Thành lập đội hình tình nguyện hỗ trợ người dân

Tại buổi làm việc, các tỉnh, thành Đoàn đã báo cáo về thiệt hại của địa phương và công tác huy động thanh niên hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ. Báo cáo về tình hình của Hà Nội, chị Chu Hồng Minh, Bí thư Thành đoàn, cho biết Hà Nội đã có 4 người tử vong, 17 người bị thương, 30.000 cây xanh bị gãy đổ và nhiều phương tiện của người dân bị hư hại. Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên VN TP.Hà Nội đã chỉ đạo thành lập 579 đội hình thành niên tình nguyện ứng phó với cơn bão.

Phối hợp các đội hình thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục bão, lũ- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Lương chủ trì cuộc làm việc với các tỉnh thành Đoàn bị thiệt hại bởi bão lũ

ẢNH: QUANG TRƯỜNG

"Tại Hà Nội, khối lượng dọn dẹp cây xanh sau bão là rất lớn và phức tạp. Suốt nhiều ngày qua 13.000 thanh niên tình nguyện tại 30 quận huyện thị xã khẩn trương cưa, cắt cành, xử lý hậu quả của cây xanh đổ, gãy; thu dọn để hạn chế ùn tắc, vệ sinh môi trường...", chị Minh cho biết. Đặc biệt trong 3 ngày qua, Hà Nội xảy ra tình trạng ngập lụt, thanh niên tình nguyện đã duy trì lực lượng cơ động, hỗ trợ công tác di dời tài sản, vật nuôi của người dân tại các khu vực nguy hiểm; hỗ trợ đắp đê, để ngăn nước tràn vào trong nhà hộ dân; buộc lúa, bảo vệ hoa màu…

"Hiện Hà Nội có 13 quận huyện đang bị ngập, có xã ngập hoàn toàn, có xã thì một số vùng và phải di dời dân. Do đặc thù là ngõ nhỏ, phố nhỏ, nên chúng tôi phải huy động vận động viên bơi lội và xuồng bơi thì mới vào tiếp cận để di chuyển người dân ra khỏi vùng ngập lụt", chị Minh chia sẻ.

Tỉnh đoàn Bắc Kạn cho biết Đoàn Thanh niên tỉnh triển khai thành lập 40 đội hình ứng phó khẩn cấp hỗ trợ huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục các hư hỏng về nhà ở, di dời khẩn cấp đến nơi an toàn đối với nhà bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao; kêu gọi vận động tài trợ từ các nhà hảo tâm; tổ chức đội hình vận chuyển nhu yếu phẩm tới người dân; vệ sinh dọn dẹp các khu vực nước rút...

Tỉnh đoàn Thái Nguyên cho biết ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo Ban Thường vụ các huyện, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc đã thành lập nhanh các nhóm thông tin tại các thôn, xóm thông qua nền tảng mạng xã hội. Qua đó, tuyên truyền các dấu hiệu xảy ra lũ quét, sạt lở đất xung quanh nơi ở và khu vực sản xuất; cảnh báo các khu vực nguy hiểm, hạn chế di chuyển trong mưa lũ như ngầm tràn, cầu, cống hoặc các đường giao thông có nguy cơ gây mất an toàn... cập nhật và cung cấp số điện thoại cứu hộ, cứu nạn tại địa phương để đoàn viên, thanh niên và người dân liên hệ trong tình huống khẩn cấp. Toàn tỉnh thành lập, huy động trên 180 đội hình thanh niên tình nguyện phòng chống thiên tai tại địa phương thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân ứng phó, hạn chế rủi ro và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

Đối mặt nhiều khó khăn

Tại cuộc họp, hầu hết các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão lũ đều cho biết còn đối mặt với rất nhiều khó khăn và mong được hỗ trợ các vật dụng thiết yếu như:

ca nô, xuồng, thuốc, đèn dầu, bếp gas, chăn màn, lương thực thực phẩm... Chị Chu Hồng Minh cho biết mặc dù Thành đoàn Hà Nội đã huy động được 1,2 tỉ đồng để ủng hộ các tỉnh và hỗ trợ các quận huyện bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là có tiền nhưng không mua được áo phao và xuồng bơi do hết hàng, nên chị Minh đề nghị nếu T.Ư có nguồn thì hỗ trợ kịp thời.

Phối hợp các đội hình thanh niên tình nguyện giúp dân khắc phục bão, lũ- Ảnh 2.

Thanh niên Hà Nội đắp đê chống lũ lụt

ẢNH: THÀNH ĐOÀN HÀ NỘI

Tỉnh đoàn Lào Cai là nơi thiệt hại lớn về người và tài sản với 45 người chết; 21 người mất tích; 61 người bị thương. Tổng số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi lên tới 4.862 nhà. Đại diện Tỉnh đoàn chia sẻ hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 46 xã với 85 thôn đang bị cô lập do đường giao thông bị ngập nước, sạt lở. Tại H.Si Ma Cai do tuyến đường đi từ Bắc Hà đến Si Ma Cai bị sạt lở, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt hoàn toàn, đường từ các huyện đến các xã bị sạt lở khiến nhiều xã bị cô lập. Các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bắc Hà nhiều tuyến đường bị sạt lở, ngập lụt gây ách tắc giao thông cô lập một số nơi...

Chị Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang, cũng cho biết chưa bao giờ tỉnh bị ngập sâu như thế, có gia đình ngập sâu 5 - 8 m. Hiện tỉnh có 4 người chết, 2 người mất tích...

Cần đảm bảo an toàn, thiết thực

Phát biểu kết luận buổi làm việc, anh Nguyễn Ngọc Lương đã thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn gửi lời chia buồn với các tỉnh có mất mát về người. "Ban Bí thư T.Ư Đoàn đau đáu hướng về các tỉnh. Chúng tôi biểu dương các tỉnh, thành Đoàn đã tham gia có hiệu quả vào công tác phòng chống bão lũ. T.Ư Đoàn cũng đã có 2 văn bản chỉ đạo và phát động cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên cả nước tham gia ủng hộ, chia sẻ khó khăn với các vùng bị thiệt hại do bão lũ", anh Lương nói.

Đồng thời, anh Lương đề nghị các tỉnh thành Đoàn cần bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, chỉ đạo của chính quyền các tỉnh, thành và các văn bản chỉ đạo của T.Ư Đoàn để phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt, nhưng phải hiệu quả và an toàn.

Anh Lương đề nghị các tỉnh thành Đoàn cần nắm chắc tình hình diễn biến, kịp thời cảnh báo những nguy cơ sạt lở, để người dân phòng tránh; duy trì tốt đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân di dời khỏi vùng nguy hiểm. Anh Lương lưu ý việc tiếp nhận nguồn lực và hỗ trợ các địa bàn cần công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng nơi được nhận. Các tỉnh thành Đoàn cụ thể hóa nhu cầu cần hỗ trợ, các địa bàn, đối tượng để T.Ư Đoàn điều phối nguồn lực phù hợp.

Anh Lương cũng đề nghị các tỉnh thành Đoàn phối hợp chặt chẽ với đội hình tình nguyện ở các tỉnh thành khác về địa phương tiếp viện để công tác hỗ trợ người dân được hiệu quả nhất. "Các đội hình thanh niên tình nguyện phát huy tinh thần xung kích, nhưng phải chuyên nghiệp, an toàn, thiết thực. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng phát huy tinh thần xung kích để chiến thắng đợt bão lũ lớn lần này", anh Lương nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.