(TNO) Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng, bộ đội biên phòng kiểm tra, quản lý lao động bất hợp pháp qua biên giới (kể cả lao động VN ra nước ngoài và ngược lại).
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, vào chiều nay (13.6), trước nhiều ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về tình trạng lao động bất hợp pháp và bảo vệ người lao động VN ở nước ngoài.
ĐB Lý Kiều Vân (Quảng Trị) nêu nhiều vụ việc lao động VN bị kẹt ở nước ngoài do không có giấy tờ, đủ điều kiện hợp lệ. Trong đó, đa phần là lao động từ các huyện nghèo. Khi người dân ra nước ngoài lao động “chui” như vậy gặp rất nhiều bất trắc, còn địa phương không quản lý được.
Trước thực trạng đó, ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH có những biện pháp để quản lý xuất khẩu lao động và bảo vệ người lao động VN ở nước ngoài.
“Tôi rất lo lắng về sự an toàn, bảo vệ quyền lợi của người lao động VN bất hợp pháp bên kia biên giới”, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), nói thêm. Song song đó, ĐB Thành cũng chất vấn Bộ trưởng vấn đề quản lý người lao động nước ngoài nhập cư trái phép vào nước ta, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh.
|
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hiện có khoảng 500.000 lao động VN đang làm việc tại các nước. Trong khi đó, chỉ có tám ban quản lý người lao động ở nước ngoài, còn lại đều do đại diện VN ở nước đó quản lý, bảo vệ người lao động.
“Trong những năm gần đây, khi lao động VN tại nước ngoài có tranh chấp, gặp vấn đề hay bị chủ làm những việc không đúng thì đều được bảo vệ. Các công ty có phép khi đưa lao động VN ra nước ngoài làm việc đều có phải có trách nhiệm bảo vệ người lao động. Công ty nào để xảy ra vấn đề, tranh chấp giữa người lao động với đơn vị lao động đều phải giải quyết và bị Bộ LĐ-TB-XH xử lý”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH khẳng định.
Tuy nhiên, bà Chuyền nhìn nhận, hiện có những lao động VN ra nước ngoài làm việc đi theo những con đường không đúng, qua những công ty xuất khẩu lao động không hợp pháp thì khi có chuyện Nhà nước cũng không biết công ty nào đưa đi mà lần. Những trường hợp này để xảy ra xâm hại trong lao động rất khó giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
“Tôi khẳng định bảo vệ cho người lao động VN ở nước ngoài là trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH, các cơ quan đại diện VN ở nước ngoài. Cho dù lao động ra nước ngoài hợp pháp hay không hợp pháp thì khi xảy ra sự việc gì Bộ LĐ-TB-XH và các cơ quan đại diện của VN tại nước ngoài đều phải giải quyết, đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người lao động”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH khẳng định.
Đồng thời, người đứng đầu ngành LĐ-TB-XH kêu gọi người dân cần tìm hiểu kỹ nơi đến, công việc, quyền lợi và công ty xuất khẩu lao động cũng như công ty sử dụng lao động để đi lao động nước ngoài theo con đường hợp pháp.
Bộ trưởng Chuyền cũng cho biết từ lâu có tình trạng người lao động vẫn qua lại biên giới bất hợp pháp, cả lao động VN qua nước ngoài và người lại, đặc biệt là các tỉnh vùng biên với Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Chuyền, sắp tới sắp tới Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng soạn thảo và trình chính phủ về các quy định quản lý lao động qua lại vùng biên.
Nguyên Mi
>> Bộ trưởng VH-TT-DL: Du lịch Việt Nam vẫn... đẹp trong mắt du khách!
>> Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị nông sản cao
>> Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Người trồng lúa không lãi được 30%
>> Thảo luận tại Quốc hội: Cần hiến định tất cả quyền lực thuộc về dân
>> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo tình hình biển Đông
>> Nhiều đại biểu quốc hội đề nghị giữ nguyên tên nước
>> Phó thủ tướng và 4 thành viên chính phủ sẽ trả lời chất vấn
>> Nội dung chất vấn phải hài hòa giữa kinh tế và xã hội
>> Chất vấn về đề án 10.800 tỉ đồng xây nhà hát, rạp chiếu phim
Bình luận (0)