Phong cách Đà Lạt

21/09/2013 00:00 GMT+7

Mỗi thành phố có một phong cách riêng. Hà Nội có cách của người Tràng An, Huế có kiểu của “mệ”, Sài Gòn có cách ứng xử của “anh Hai Nam bộ”. Đà Lạt cũng có kiểu của mình.

Vậy phong cách người Đà Lạt là cái gì? Với điều kiện tự nhiên và những đặc trưng văn hóa riêng đã hun đúc lên phong cách người Đà Lạt và từ lâu “phong cách” này được nhiều người nhìn nhận là: “thanh lịch, hiền hòa và mến khách”. Theo PGS.TS Cao Thế Trình (Đại học Đà Lạt), người Đà Lạt không hối hả trong cuộc mưu sinh dẫu cuộc sống của họ còn thua nhiều vùng miền khác. Hình ảnh người dân phố núi cầm ô, chậm rãi đếm bước trong cơn mưa trên đường phố như là một nét riêng của người Đà Lạt. Cách đây chưa lâu, nhiều câu “chuyện cổ tích thời hiện đại” đã xuất hiện ở Đà Lạt. Tại những bến xe ôm, những người chạy xe lần lượt đón khách chứ không hề có cảnh giành giật, chèo kéo và thét giá trên trời; còn ở chợ Đà Lạt thì không có chuyện thách giá, trả lên trả xuống, dù chưa quen biết, nhưng người mua nếu quên hoặc không đủ tiền vẫn được người bán vui vẻ mời mang về dùng khi nào tiện thì ghé trả sau cũng được…

Thông thường thì “phong cách” này sẽ mãi tồn tại và phát huy, thế nhưng ở Đà Lạt thì không phải vậy khi những năm gần đây, nét đẹp này đã phai nhạt và mai một dần. Nếu mua hàng mà cả tin, du khách sẽ bị “hớ đậm”, rồi tình trạng trộm cắp cũng diễn ra nhiều hơn. Đáng nói hơn, tình trạng “cò đủ thứ” ngang nhiên hoành hành và tình trạng đánh du khách, rồi “chặt chém” cũng đã xảy ra… Chính vì thế  nên việc gìn giữ, phát huy phong cách người Đà Lạt đang là vấn đề đáng bàn, đáng nói ở thành phố hoa này là vậy.     

Tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy sắc thái địa phương trong xây dựng, phát triển Đà Lạt” do Trường đại học Đà Lạt và UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức mới đây, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề cần gìn giữ, phát huy phong cách người Đà Lạt trong việc xây dựng, phát triển Đà Lạt hiện đại. PGS.TS Cao Thế Trình nêu sự cần thiết: Nếu không có một môi trường thân thiện sẽ làm méo mó hình ảnh của thành phố du lịch này, du khách “trót” đến với Đà Lạt một lần rồi “vĩnh viễn một đi không trở lại” đồng thời còn khuyến cáo người khác không nên tới nơi “nguy hiểm” đó. “Phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục tại cộng đồng dân cư, nhất là những người làm dịch vụ - những vị “sứ giả” của thành phố với du khách bốn phương, tăng cường công tác quản lý, xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm chuẩn mực du lịch, dịch vụ; kịp thời khen thưởng, khuyến khích những cá nhân và cơ sở dịch vụ có những hoạt động thân thiện, những nghĩa cử cao đẹp với du khách…”, PGS.TS Cao Thế Trình nêu ý kiến. 

Trong khi đó, cũng tại hội thảo nói trên, ông Nguyễn Trọng Hoàng (nguyên Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Lâm Đồng) đề xuất: lãnh đạo TP.Đà Lạt cần đặt hàng để xây dựng một đề tài khoa học về phong cách người Đà Lạt với một quy mô thỏa đáng; từ đó soạn thành những bài học đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường học, soạn tài liệu để trang bị “phong cách” cho những người làm du lịch, những người bán hàng và cho nhân dân Đà Lạt…

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.