Lo ngại dịch bệnh, rất nhiều thành phố lớn và nhiều tỉnh thành trên cả nước đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học. Theo thông tin mới nhất, TP HCM cho học sinh nghỉ học tới hết tháng 2 và đề xuất nghỉ tới hết tháng 3 trong khi nhiều tỉnh, thành sẽ cho nghỉ hết 23.2. Như vậy, lịch học đã bị gián đoạn cả tháng so với tiến độ thông thường của Bộ GD-ĐT, đông nghĩa với hàng triệu trẻ em đột ngột thay đổi nhịp sống bình thường. Em ở nhà, em gửi ở ông bà, em gửi nhờ người quen, em gửi nhờ phố xóm, em thì được cha mẹ nghỉ phép ở nhà trông, các em lớn thì tụ tập, rồi cũng ra đường..
Anh Hùng, một nhân viên văn phòng ở TP.HCM đọc thông báo của nhà trường cho con nghỉ mà vừa mừng vừa lo. Việc Sở quyết định cho học sinh nghỉ học, có thể sẽ bảo vệ các con khỏi dịch bệnh, nhưng nhà anh không biết gửi con đi đâu, một đứa thì có thể tính nhưng hai đứa anh chị chưa biết xoay xở thế nào… Anh Hùng đang tính có thể gửi con về quê với ông bà nội, nhưng ở quê anh, việc phòng dịch còn rất chủ quan, nên cũng không thể yên tâm. Thỉnh thoảng vợ anh mang con đến văn phòng, đôi khi hai anh chị thay nhau nghỉ.
Học sinh, sinh viên không đến trường nhưng bố mẹ thì vẫn đi làm, và vì được nghỉ học nên các em vẫn ra ngoài tụ tập vui chơi, tiếp xúc với nhiều người, nên cách phòng dịch bệnh này liệu có phải giải pháp tốt nhất?
Cần phải nghiêm túc, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra, nhưng các biện pháp nào là phù hợp? Cần phải cân nhắc lựa chọn những phương án đúng đắn.
Với học sinh mầm non, tiểu học, khả năng tự chăm sóc và phòng ngừa bệnh thấp, nhưng đến trường, nơi triệt để áp dụng các biện pháp bảo đảm môi trường vệ sinh sạch sẽ, sát khuẩn tiệt trùng, được theo dõi và chỉ dẫn các biện pháp phòng, ngừa bệnh, theo dõi sát sao có khi tốt hơn là ở nhà một mình với nỗi lo lắng và nhớ lớp học, nhớ bạn, nhớ thầy cô, không tập trung học tập do nghỉ học dài nên mất dần nề nếp học tập...
Với học sinh từ THCS, THPT và sinh viên, khả năng nhận thức và phòng chống dịch bệnh có thể nói là tương đương với người lớn, nên có cần thiết phải cho nghỉ học dài ngày. Cũng rất khó ngăn lứa tuổi này không tụ tập, không ra ngoài.
Khi mà tất cả lịch học bị xáo trộn, cha mẹ nhao nhác, nền kinh tế chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng bởi thiệt hại do phải điều chỉnh các kế hoạch làm việc của ba mẹ, kế hoạch tổ chức các hoạt động, kỳ thi đại học, tốt nghiệp phổ thông. Sẽ có những em không thể nộp đơn du học nước ngoài do chưa có bảng điểm thi tốt nghiệp phổ thông...
Thời điểm này cũng là cơ hội tốt để ngành giáo dục VN nhìn lại và điều chỉnh phương pháp, chương trình dạy và học. Học online, giảm thời gian trên lớp, giảm quá tải trong các trường, lớp, cân nhắc về các nội dung, chương trình học để kiến thức đầy đủ, tập trung... hay đặc biệt quan trọng là cải thiện cơ sở vật chất, đảm bảo môi trường sạch sẽ, đầy đủ trang thiết bị chăm sóc sức khỏe... tạo điều kiện để các em học sinh, sinh viên được học tập trong môi trường an toàn, lành mạnh là việc mà ngành giáo dục VN nên xem xét ngay lúc này.
Một trong những lưu ý quan trọng trong công tác phòng chống dịch là bình tĩnh, không phản ứng thái quá và tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới. Các em học sinh, sinh viên nghỉ học cần được thông tin và giáo dục đầy đủ để phòng tránh dịch bệnh và điều đó cần có sự phối hợp của cả gia đình và nhà trường.
Bình luận (0)