Sáng 14.7, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My (Quảng Nam), cho hay để chủ động phòng ngừa diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn xảy ra trên địa bàn, huyện đã yêu cầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng triển khai ứng phó với tình hình thời tiết phức tạp, nguy hiểm có thể xảy ra, nhất là công tác sơ tán người dân tại các khu dân cư có nguy cơ sạt lở đất.
Chính quyền huyện bố trí lực lượng trực đảm bảo 24/24, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống thiên tai.
Ngoài ra, Công an huyện triển khai lực lượng tại các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có mưa lớn gây lũ chảy xiết, ngập lụt cục bộ.
Ban Chỉ huy quân sự huyện phối hợp các đơn vị trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ người dân kịp thời khi có mưa lớn, lũ quét, lũ ống; giúp các địa phương thực hiện công tác sơ tán dân khi có tình huống xấu xảy ra…
"Trước tình hình áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp, trong sáng nay huyện cũng đã yêu cầu các xã chủ động, báo cáo tình hình mưa gió trên địa bàn. Qua báo cáo của các địa phương thì hiện nay chưa có vấn đề gì, mọi thứ vẫn an toàn và trong vùng kiểm soát", ông Mẫn nói.
Công tác phòng chống được chuẩn bị rất sớm
Ông Mẫn cho rằng, đối với huyện miền núi như Nam Trà My thì câu chuyện phòng chống sạt lở khi mùa mưa lũ đến đã được chuẩn bị ngay từ đầu.
Vấn đề sắp xếp dân cư tại những vùng có nguy cơ sạt lở huyện cũng đã bố trí xong, đảm bảo an toàn từ hồi tháng 3. Nói chung, chuyện phòng chống sạt lở đã được huyện chủ động lên phương án, kế hoạch cụ thể, đầy đủ.
"Huyện đã bố trí các đội xung kích, dân quân thường trực để ứng phó khẩn cấp nếu có sự cố sạt lở xảy ra. Chúng tôi lấy vụ sạt lở núi nghiêm trọng ở xã Trà Leng (Nam Trà My) từ năm 2020 làm "bài học xương máu" trong công tác phòng chống thiên tai", ông Mẫn thông tin thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho biết trước tình hình thời tiết năm nay nhiều bất thường, từ tháng 4 huyện đã tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai.
Hội nghị cũng thông qua rất nhiều phương án từ tổng thể đến cụ thể, trong đó phân cấp mạnh về từng xã, thôn để chủ động, kịp thời xử lý những sự cố do mưa lũ gây ra mà lực lượng chức năng huyện chưa thể tiếp cận để sự lý sự cố.
"Từ những bài học qua các vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn các huyện miền núi ở Quảng Nam trước đó, năm nay chúng tôi chủ động, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai rất sớm. Trong đó, phương án chống ngập úng, sạt lở được lên một cách chi tiết, cụ thể trong tư thế chủ động", ông Lượm nói.
Theo ông Lượm, hiện nay tại các thôn bản đều có đội xung kích luôn trong tư thế sẵn sàng với phương án "4 tại chỗ" nhằm kịp thời ứng cứu.
Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Sáng nay 14.7, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết đã phát công điện yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn trên địa bàn.
Theo đó, tiếp tục theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng giông lốc cục bộ, vùng nguy hiểm theo các bản tin dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn.
Chủ động tổ chức công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền (bao gồm ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ, tàu du lịch...), đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển…
Bình luận (0)