>> Bộ trưởng Bộ Y tế được phong hàm giáo sư danh dự của ĐH Oxford
>> 54 nhà giáo được phong giáo sư
>> Một doanh nhân Việt Nam được Đại học Griffith (Úc) phong giáo sư danh dự
Báo VietNamNet ngày 25.11 dẫn lời Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo nhận xét: “Thầy Lê Quang Long là thầy dạy, sau này là đồng nghiệp của tôi. Tôi kính trọng tài năng, đạo đức và mong muốn thầy trở thành Nhà giáo nhân dân trong nhiều năm về trước. Nhiều lần tôi đã đề nghị thầy làm thủ tục theo cơ chế của Nhà nước nhưng thầy Long không làm vì cho rằng phục vụ nhân dân tốt là được rồi…”.
|
Tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện thì hoá ra, do ngại thủ tục kê khai, xác nhận quá phức tạp, nhiêu khê trên sức chịu đựng của mình mà nhiều nhà giáo, trong đó có Giáo sư Lê Quang Long vốn không màng chuyện danh vị, đã bỏ qua, cả danh hiệu Nhà giáo ưu tú cách đây vài chục năm cũng vậy.
Cũng theo tác giả Ngân Anh trên tờ báo này, Thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú có tới cả trăm quy định, thủ tục để các nhà giáo được phong tặng các danh hiệu này phải khai báo.
Ví như, tiêu chuẩn để xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân là phải có tài năng sư phạm xuất sắc, có uy tín lớn và ảnh hưởng trong ngành và trong xã hội, là nhà giáo đầu đàn tiêu biểu được đồng nghiệp thừa nhận, là nhà giáo mẫu mực được học trò và nhân dân kính trọng, có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng, giúp đỡ đồng nghiệp về chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học.
Một tiêu chuẩn khác là phải có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên. Đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
Thông tư 07 cũng lượng hóa điều kiện về sáng kiến, giải pháp, đề tài nghiên cứu khoa học cùng các tiêu chí khác để một nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.
Với từng đó tiêu chí, chỉ nội kê khai rồi xin xác nhận, đề nghị từ cơ sở lên đã khiến nhiều nhà giáo phải nản, nhất là nhà giáo tuổi đã ngót một trăm.
Tương tự, trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật, sự thẩm định nhiều khi lại rất cảm tính và cái gọi là "lượng hoá" như trong khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật lại vô cùng khó. Đó là chưa kể có một thời, ở lĩnh vực này, chúng ta còn đưa ra một số tiêu chí khiến những ai có tài năng thực thụ, nhưng nếu hành nghề tự do, không nằm trong một cơ quan, một đơn vị nghệ thuật nào, cũng sẽ không được xét. Chẳng hạn như ca sĩ Cẩm Vân, Ánh Tuyết, Thanh Lam, Hồng Nhung… Dù họ có nhiều người hâm mộ đến đâu, có tài năng đến mấy và được sự thừa nhận cao của giới chuyên môn, cũng không được đưa ra xem xét.
Nghe nói, một trong những tiêu chuẩn để được công nhận là một Nghệ sĩ nhân dân là phải được tặng bao nhiêu huy chương Vàng... Nhưng cái thời mà các nghệ sĩ còn có thể thi thố để "giắt lưng vốn thành tích" không còn nữa khiến họ sau đó dù có trở thành những diva của dòng nhạc hiện đại, được rất nhiều công chúng ái mộ đến đâu, cũng đành ngậm ngùi đứng ngoài cuộc chơi mỗi lần có đợt Nhà nước phong tặng. Trong khi đó, họ luôn xứng đáng là những nhà giáo của nhân dân, những nghệ sĩ của nhân dân và sống mãi trong tâm trí người dân.
Tôi cho rằng, ở mỗi lĩnh vực khác nhau, khi xét tặng danh hiệu của Nhà nước, chúng ta đang có phần thiếu thông thoáng với những tài năng và sự cống hiến của họ đối với xã hội. Nó không phải như trường hợp xét phong học hàm giáo sư, phó giáo sư.
Cũng trong bài viết vừa đề cập, tuy không nói hẳn ra là nhà giáo nào, nhưng nếu tôi không nhầm, có lẽ tác giả muốn nhắc tới Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng, một trong những bậc đại thụ của khoa học lịch sử nước nhà. Ông đã từng khai hồ sơ để cấp trên xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cũng là do các thế hệ học trò của ông vận động, thuyết phục ông. Nhưng cuối cùng, hồ sơ của ông không được chấp nhận, chỉ vì ông khai về số lượng bài báo khoa học vỏn vẹn “1000 bài”, số lượng sách đã in ông khai “100 cuốn”. Thế rồi, Hội đồng khoa học ngày đó cho rằng ông kê khai..."không nghiêm túc"!
Giáo sư Vượng đã ra đi mãi mãi, để lại một tài sản vô giá về những công trình khoa học lịch sử cho đất nước mà không được phong tặng Nhà giáo nhân dân.
Với nhân cách của những lớp người như nhà sư phạm, Giáo sư sinh học đầu đàn Phạm Quang Long ở Đại học Sư phạm Hà Nội, như Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng một thời được ví là "tứ trụ" của khoa Lịch sử (Đại học Tổng hợp Hà Nội), với cả ngàn học trò thành danh, tôi nghĩ, các ông lẽ ra không nên phải khai báo quá kỹ đến vậy, bởi thực tế đã chứng minh, tài sản mà các thầy để lại cho đời là hết sức đồ sộ, quá xứng đáng để được Nhà nước vinh danh.
Với danh hiệu Nhà giáo nhân dân, đâu cứ cần phải gắn với có bao nhiêu công trình khoa học như tiêu chí đặt ra để phong học hàm với một giáo sư? Cái cần nhất chính là nhà giáo đó có bao lớp học trò trưởng thành, đóng góp thế nào cho đất nước.
Đã đến lúc chúng ta cần có cách bình xét sao cho thông thoáng hơn giữa việc vinh danh Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân với việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư. Giữa hai việc phong tặng đó có sự khác nhau nhất định, không nên cứng nhắc như hiện nay.
Hành Thiện (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống ở Hà Nội.
Bình luận (0)