Công ty CP giáo dục G Sài Gòn (mới được đổi tên từ Công ty CP Giày Sài Gòn) tiền thân là công ty 100% vốn nhà nước rồi cổ phần hóa, được cho thuê khu “đất vàng” 419 Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM) rộng gần 11.000 m2 thời hạn 20 năm.
Dù được nhà nước cho thuê đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh nhưng doanh nghiệp lại lấy mặt bằng cho thuê lại để hưởng chênh lệch. Tháng 12.2020 là hết thời hạn cho thuê đất, doanh nghiệp tiếp tục dùng dằng bàn giao.
Tình trạng doanh nghiệp thuê đất nhà nước giá thấp rồi sau đó sử dụng biến tướng, cho thuê diễn ra phổ biến, nhất là ở các thành phố lớn. Không hiếm doanh nghiệp nhà nước yếu kém, khi cổ phần hóa đã tranh thủ liên kết với các công ty khác dưới vỏ bọc hợp tác kinh doanh nhằm thâu tóm “đất vàng”.
Tại TP.HCM, Trung tâm phát triển quỹ đất TP.HCM khảo sát hơn 1.100 khu đất do doanh nghiệp 50 - 100% vốn nhà nước quản lý thì có đến 188 khu đất sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê. Ngoài ra, có 110 khu đất bỏ trống.
Lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận việc các doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất rồi sau đó đem cho thuê lại hưởng chênh lệch nhưng khoản chênh lệch này không được đóng thuế gây thất thu ngân sách.
Đất đai là nguồn lực đặc biệt, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các địa phương. Thế nhưng trong thời gian dài, nguồn lực này bị xà xẻo dưới nhiều hình thức, vỏ bọc mỹ miều hòng mang lại lợi ích cho một nhóm người; điều đó đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước bị thiệt hại, đất nước mất đi nguồn lực phát triển.
Để xảy ra tình trạng trên, ngoài sự lỏng lẻo của quy định pháp luật còn có sự cấu kết, tiếp tay của một số cán bộ biến chất nhằm đục khoét, biến “đất công thành đất ông”. Do vậy, bên cạnh hoàn thiện pháp luật vốn thuộc về các cơ quan T.Ư, địa phương cũng cần có cuộc tổng rà soát đất công và có biện pháp mạnh tay ngăn chặn hành vi sử dụng sai mục đích, thu hồi tài sản về cho nhà nước.
Bình luận (0)