Phong tỏa hẻm Gò Vấp vì F1 liên quan Hội thánh truyền giáo: Tất bật tiếp tế

29/05/2021 18:45 GMT+7

TP.HCM vừa mở rộng phong tỏa hẻm 80/59 Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp vì F1 của ca dương tính liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng cũng nghi nhiễm khiến nhiều người dân gần đó bàng hoàng, đóng cửa ở trong nhà.

Theo HCDC, sáng 29.5, Q.Gò Vấp tạm thời phong tỏa một phần hẻm 80/59 đường Dương Quảng Hàm, P.5 do có ca nghi nhiễm Covid-19 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Ca nghi nhiễm này có tiếp xúc gần với một người trong Hội thánh (được công bố dương tính trước đó) và đã được cách ly trước đó.
Sau khi nhận thông tin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường đã tổ chức phong tỏa tạm thời một phần hẻm 80/59 đường Dương Quảng Hàm. Các ban ngành đoàn thể phường vận động các hộ dân trong khu vực phong tỏa không ra khỏi nhà, đeo khẩu trang và thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế. Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ phường cũng đang vận động các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân tại đây trong thời gian phong tỏa.

Trưa 29.5: TP.HCM thêm 22 ca dương tính Covid-19 liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng

"Trữ sẵn đồ khô, phòng khi phong tỏa có dùng"

14 giờ, vợ chồng ông L.M.N (44 tuổi, ngụ Q.12) đứng bên ngoài hàng rào thép gai gửi mấy bọc đồ ăn, nhờ bảo vệ dân phố đưa vào nhà cha mẹ ruột. Cùng lúc đó, vợ ông N. đang video call cập nhật những diễn biến của nhà mẹ chồng trong khu phong tỏa.

Khu vực phong tỏa trong hẻm 80/59 Dương Quảng Hàm được mở rộng từ sáng 29.5

Ảnh: Vũ Phượng

Ông N. cho biết có tới 6 người thân nằm trong hẻm nhánh bị phong tỏa từ sáng hôm qua. Suốt cả ngày, người nhà bên ngoài liên tục gọi video để nói chuyện, động viên nhau, xem thiếu món gì, cần thứ gì thì ông hoặc chị gái lập tức mua gửi vào.
Ông nói: “Hôm qua cha mẹ tôi gọi sang báo hẻm bị phong tỏa vì có ca nghi nhiễm Covid-19 liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Tôi cũng không quá lo vì suốt thời gian gần đây, cả cha mẹ, mấy cháu và chị tôi đều ở trong nhà, không tiếp xúc với ai hay đi đâu. Người nghi nhiễm mới đây cũng là người nơi khác tới thuê trọ, không tiếp xúc với mọi người nên mong cả xóm sẽ ổn”.
Vì muốn cha mẹ ăn ngon mỗi ngày để có sức khỏe phòng chống dịch, ông N. mua đồ ăn tươi theo ngày, ăn hết hôm sau ông lại mua và nhờ lực lượng trực gửi vào.
“Những ngày gần đây F1 dương tính nhiều tôi cũng lo, muốn ở nhà không muốn đi làm. Đi làm tới nơi tôi cũng ở yên vị trí mình được phân công, không đi đâu. Đợt dịch này tôi có cảm giác sợ hơn những lần trước, nhất là ngay lễ nhiều người đi chơi nên không biết ai đang âm ỉ bệnh. Mình phải chủ động cho mình là chính”, ông N. chia sẻ.

Bảo vệ dân phố cũng tất bật "làm shipper" chuyển đồ ăn giúp người trong hẻm

Ảnh: Vũ Phượng

14 giờ 15 phút, nhân viên y tế mới xong công tác lấy mẫu xét nghiệm, cả tình nguyện viên mặc áo xanh, công an, bảo vệ dân phố mới bắt đầu mở hộp cơm ăn trưa. Dưới trời nắng oi ả, mỗi người chọn một góc ngồi cách xa nhau, ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại.
Bà Lê Thị Hoa (55 tuổi, TP.Thủ Đức) tay xách nách mang nhiều bọc thực phẩm gửi vào cho em gái trong khu hẻm phong tỏa. Những món bà Hoa mua đa phần có thể để qua ngày như: khoai tây, cà rốt, trứng, bắp cải, ít trái cây…
Theo lời bà Hoa, khu vực nhà em gái bà chỉ vừa bị phong tỏa sáng nay, trước đó trong hẻm chỉ mới phong tỏa một nhánh khác. Chính vì vậy, khi đưa thực phẩm cho em gái, bà cũng bịt khẩu trang kín, giữ khoảng cách.
“Dịch đợt này tôi thấy sợ vì lan tùm lum hết, điểm phong tỏa nhiều quá. Nhà tôi cũng trữ sẵn một số đồ khô, phòng khi phong tỏa tới nhà mình để có gì còn chống đói”, bà Hoa cho hay.

Tối 29.5: Thêm 143 ca Covid-19, 29 ca liên quan Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng

“Thấy xe cấp cứu là sợ”

Ông Nguyễn Tấn Tài (bảo vệ dân phố) cho biết, từ 9 giờ sáng hôm qua, hẻm 80/59 Dương Quảng Hàm chỉ bị phong tỏa một nhánh. Nhưng sáng nay vì có ca nghi nhiễm mới nên phạm vi phong tỏa được mở rộng hơn vào lúc 8 giờ sáng. Những hộ dân trong khu vực phong tỏa không thể ra ngoài.
Từ sáng đến trưa, ông Tài cũng tất bật “làm shipper” xách đồ tiếp tế của người quen gửi cho các hộ trong khu phong tỏa. Mướt mồ hôi, nhưng ông vẫn không hề cau có hay khó chịu.

Người dân trong hẻm lo lắng nếu có thêm ca dương tính có thể khu vực phong tỏa tiếp tục được mở rộng

Ảnh: Vũ Phượng

Ông nói: “Ca nhiễm mới là những người thuê trọ, ít tiếp xúc với hàng xóm nhưng chính quyền khoanh vùng như vậy để đảm bảo an toàn phòng dịch, tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm. Các hộ trong này nhiều nhà đặt đồ ăn từ các cửa hàng gửi tới, hoặc ai không đặt thì có hội phụ nữ phường đi chợ giúp”. Vừa nói, ông Tài vừa chỉ vào người phụ nữ mang cơm hộp đến khi nãy: “Đó, cổ lo hết cho mọi người”.
Ông Đoàn Ngọc Châu (48 tuổi, bán gạo trong hẻm 80 Dương Quảng Hàm) nhận xét, từ sáng qua, xe cấp cứu và nhiều người mặc đồ bảo hộ kín mít đi vào khiến cả hẻm bàn tán xôn xao. “Cứ nhìn thấy xe cấp cứu là ớn lắm”, ông thở dài.
Cũng từ thời điểm đó, con hẻm vắng xe qua lại, một số hàng quán xung quanh đóng cửa, nghỉ bán, nhà dân cũng đóng cửa ở trong nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác.

Khu hẻm phong tỏa vắng xe qua lại

Ảnh: Vũ Phượng

Là người bán gạo, một phần hẻm mình sống bị phong tỏa vì ca nghi nhiễm nên ông khá lo lắng. Ông cũng không thể nhớ được những ai từng tới mua gạo, nhưng vì đây là mặt hàng thiết yếu, nên dù có sợ dịch, ông vẫn mở bán để phục vụ người dân trong hẻm.
Ông bộc bạch: “Đọc tin tức mỗi ngày thêm mấy chục điểm phong tỏa mà sợ, nhưng giờ bán gạo sao mà nghỉ được. Biết sao bây giờ, chỉ tự mình phòng dịch cho mình, cứ đeo khẩu trang cho chắc, chứ cũng không biết được ai đang ủ bệnh tới mua gạo hay không. Tới đó, mình thành F có đánh số thì lại ảnh hưởng thêm nhiều người khác nữa. Tôi sợ là có thêm ai đó trong hẻm nữa hoặc người nghi nhiễm từng ghé các tiệm ngoài này là phong tỏa hết hẻm luôn, phải chịu thôi”.
15 giờ, hẻm 80 Dương Quảng Hàm dù có rất nhiều hẻm nhánh thông với các hẻm xung quanh nhưng vắng xe qua lại hơn thường lệ, nhiều nhà đóng cửa, tiệp tạp hóa, xe nước mía cũng nghỉ bán. “Chưa bao giờ thấy sợ dịch như thế”, một người bán bột chiên trong hẻm thở dài…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.