Nhiều bậc phụ huynh sẽ ngỡ ngàng nếu phát hiện các con còn quá nhỏ nhưng lại xem phim người lớn. Thế nhưng, nếu cha mẹ "suy nghĩ thấu đáo" thì đây không còn là "hiện tượng cá biệt", nhất là trẻ em ở thành thị.
Việc trẻ sớm "tìm đến phim người lớn" có nhiều nguyên nhân như: đời sống ngày càng nâng cao (ăn uống đầy đủ nên các em phát triển nhiều mặt về thể chất, sinh lý), tiếp xúc mạng xã hội từ nhỏ (dễ tiếp nhận những hình ảnh... chuyện người lớn khiến trẻ tò mò).
Bên cạnh đó, không ít trẻ nghe bạn bè kể chuyện "phim người lớn", xem những bộ phim hoạt hình có nội dung không lành mạnh, thấy người lớn "xem phim người lớn", cha mẹ cho con xài điện thoại, Ipad vô tội vạ (không kiểm soát)...
Những điều đó khiến cho trẻ dễ biết đến phim người lớn ngay từ khi còn quá nhỏ.
Khi gặp trường hợp như vậy, phụ huynh cần bình tĩnh trong quá trình xử lý như: không làm trầm trọng vấn đề, trao đổi với con về việc tìm hiểu giới tính, gần gũi, nhỏ nhẹ mở lòng, làm người bạn đồng hành để "chèo lái con phát triển đúng quỹ đạo"...
Làm được như vậy, đứa trẻ không bị tổn thương (bởi nhiều bậc cha mẹ thấy con như thế có thể quát mắng, chửi bới, đánh đập) và cha mẹ cũng nhẹ nhõm hơn để định hướng cho con những điều cần biết và chưa cần biết.
Trong một trường hợp cụ thể, anh bạn tôi có con trai tên B. đang học lớp 8. B. rất ít khi được sử dụng điện thoại thông minh (chỉ được dùng "điện thoại cùi bắp" để gọi cho người thân khi cần thiết) và máy tính.
Mỗi lần xem chương trình gì đó qua điện thoại và máy tính, B. thường được nhiều người như cha hoặc mẹ xem cùng. Tuy nhiên, trong vài lần bạn tôi cho con mượn máy tính để học bài, anh phát hiện B. xem phim người lớn.
Lúc đầu, anh kiểm tra lại lịch sử sử dụng thì thấy con học bài và xem phim hoạt hình nên không băn khoăn gì. Có lần anh đi từ nhà bếp lên phòng khách thì con đang dùng máy tính để học bài bỗng giật mình khi thấy cha. Anh sinh nghi. Khi con vào phòng trong tiếp tục học bài, anh tra lại lịch sử thì thấy con xem phim hoạt hình. Anh quyết định xem thì thấy có cảnh nóng.
Lúc đó, anh không nói năng gì và đến hôm sau chia sẻ với con bằng hướng khác. Anh kể cho con nghe một câu chuyện tương tự nhưng đứa con không biết mình là nhân vật trong câu chuyện ấy.
Trước cách ứng xử tế nhị của người cha, đứa con hỏi: "Sao chú ấy bình tĩnh thế? Sao chú ấy dạy con hay vậy cha?". Nghe con hỏi vậy, anh bạn tôi vui vẻ trả lời: "Vì chú ấy là một người cha tốt, hiểu được tâm sinh lý của con. Chú ấy không chỉ là người cha mà còn là người bạn đồng hành với các con nên chú làm được như thế". Mượn câu chuyện "gián tiếp" để kể "trực tiếp", anh bạn đã thành công khi không nói một từ nào về việc con anh xem phim người lớn.
Nhiều tháng qua, thỉnh thoảng con anh vẫn mượn máy tính để học tập nhưng không thấy con anh xem phim người lớn nữa.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần "phòng hơn chữa". Nhiều bậc phụ huynh cho con ngủ phòng riêng, vô tư sử dụng điện thoại thông minh tha hồ xem và làm những gì mình thích.
Các bậc phụ huynh hãy "thông minh", biết cách cho con sử dụng điện thoại nhằm đem đến những giá trị tích cực. Cha mẹ phải là tấm gương thì con cái mới noi theo. Khi biết con xem phim người lớn, cần ứng xử tế nhị và định hướng điều tích cực cho con.
Bình luận (0)