Từ tin nhắn ‘kỳ thị giới’ của hiệu trưởng: Nên giáo dục giới tính ra sao?

02/11/2022 16:38 GMT+7

Theo chuyên gia, giáo dục giới tính không nên dừng lại ở những bài học riêng lẻ mà cần có chương trình toàn diện, xuyên suốt các cấp học, phù hợp với độ tuổi của học sinh.

Dư luận vừa qua dấy lên tranh cãi về tin nhắn được cho là kỳ thị giới tính của bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức, TP.HCM) khi hướng dẫn “không được bố trí nam nữ ngồi chung bàn, đặc biệt các em nam/nữ có vấn đề về giới tính (đồng tính nữ/nam) cần được bố trí ngồi riêng”. Điều này đặt ra câu hỏi: Nên giáo dục giới tính cho học sinh (HS) ra sao để không quá cực đoan?

Không bao giờ là quá sớm để nói về giới tính

Theo thạc sĩ Quang Thị Mộng Chi, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, giáo dục giới tính nên được tiếp cận từ nhỏ vì “không bao giờ là quá sớm để nói về giới tính với trẻ”. “Nội dung về giới tính cần được đưa vào lớp mầm non để giáo dục trẻ, đặc biệt là những nội dung nhằm bảo vệ trẻ khỏi ảnh hưởng tiêu cực của xâm hại tình dục trẻ em”, thạc sĩ Chi lưu ý.

Đoạn tin nhắn có phát ngôn gây tranh cãi của hiệu trưởng

Chụp màn hình

Chuyên gia tâm lý khẳng định mỗi lứa tuổi có những đặc điểm phát triển về sinh học, nhận thức, mức độ tham gia vào xã hội khác nhau. Thế nên, nội dung, hình thức và mức độ giáo dục giới tính cũng cần khác nhau để phù hợp với mỗi giai đoạn. “Như khi trao đổi với HS THCS về hành vi tình dục thì nên giới hạn ở vấn đề thủ dâm, phòng tránh thai, bệnh lây qua đường tình dục... nhưng ở THPT cần nói về hành vi tình dục có đối tác, tình dục bình thường và lệch lạc...”, thạc sĩ Chi nêu ví dụ.

Cũng theo thạc sĩ Chi, quan điểm giáo dục giới tính còn nhiều ý kiến trái chiều ở Việt Nam và trên thế giới, chưa có sự thống nhất. Khi nói về giáo dục giới tính, các nghiên cứu thường chú trọng đến vấn đề quan hệ tình dục ở HS và có 3 quan điểm phổ biến là cấm quan hệ tình dục; cấm nhưng dạy về tránh thai, sử dụng bao cao su; và giáo dục giới tính toàn diện.

Đáng chú ý là giáo dục giới tính toàn diện không nhấn mạnh việc cấm quan hệ tình dục, HS được cung cấp nhiều thông tin và trọng tâm là phát triển kỹ năng ra quyết định có trách nhiệm trong hành vi tình dục.

“Dựa trên những nghiên cứu, không có chứng cứ cho thấy giáo dục toàn diện dẫn đến việc tham gia vào hành vi tình dục nhiều hơn ở HS, ngược lại còn giảm các hậu quả đáng tiếc khi trẻ không được đề cập trong giáo dục. Do đó, việc giáo dục toàn diện cung cấp kiến thức cho các em sẽ giúp HS ra quyết định phù hợp hơn, đem lại những kết quả tích cực hơn là cấm đoán”, thạc sĩ Chi phân tích.

Giảng viên khoa Tâm lý học cho hay các chủ đề giáo dục giới tính cũng nên mở rộng, không chỉ tập trung về đề phòng trẻ quan hệ tình dục sớm và những hệ luỵ. Đặc biệt là những nội dung về bản dạng giới (nhận thức về giới), khuynh hướng tính dục, hành vi tình dục và không phân biệt đối xử giới tính. "Điều này giúp tạo ra một thế hệ trẻ hiểu biết về sự đa dạng giới, bình đẳng giới, thiết lập được những mối quan hệ lành mạnh, đem lại hạnh phúc cho bản thân, bạn bè và mọi người xung quanh", thạc sĩ Chi cho hay.

Chuyên gia tâm lý cũng đặt vấn đề: “Giáo dục giới tính cần đi trước để chuẩn bị đón đầu sự phát triển về sinh lý và tâm lý của trẻ thay vì đi sau để giải thích hay sửa chữa, nhằm giúp HS có tâm thế sẵn sàng đón nhận sự phát triển màu nhiệm trong mình theo mỗi lứa tuổi mà không hoang mang, lo lắng. Như hiện nay nhiều bạn khoảng lớp 5 đã dậy thì rồi nên nội dung này cần đưa vào tiểu học chứ không phải THCS như trước”.

Các chuyên gia cho rằng giáo dục giới tính không nên dừng lại ở những bài học riêng lẻ mà cần có chương trình toàn diện, xuyên suốt các cấp học (ảnh minh họa)

ĐÀO NGỌC THẠCH

Cần trải dài nhiều cấp độ giáo dục

Anh Đặng Khánh An, tâm lý gia lâm sàng tại Bệnh viện Trường ĐH Y dược TP.HCM, nhận định tính dục là một khía cạnh quan trọng trong đời sống mỗi người từ khi sinh ra cho đến cuối đời. Vì thế, giáo dục giới tính là quá trình xuyên suốt tới khi cá nhân đủ khả năng tự tìm hiểu và chủ động trong học tập, khám phá tính dục bản thân.

Theo anh An, cấp độ giáo dục giới tính đầu tiên là môi trường gia đình hoặc người chăm sóc trẻ. Khi trẻ đi học, các môi trường giáo dục sẽ tiếp tục hỗ trợ trẻ trong lĩnh vực này. Cấp độ đầu tiên liên quan đến khía cạnh tôn trọng, bảo vệ bản thân, nhận biết các vùng cấm cần được bảo vệ và tránh phơi bày, hướng dẫn trẻ kêu cứu hoặc thông báo thầy cô, phụ huynh khi có người lạ sờ chạm.

Chuyên gia tâm lý cũng lưu ý một số trẻ có xu hướng chuyển giới có thể biểu lộ hành vi từ rất sớm thông qua việc lựa chọn trò chơi, trang phục hoặc bắt chước hành vi với giới đối nghịch. Tuy nhiên, gia đình và người chăm sóc cũng thiếu nhiều kiến thức về lĩnh vực này nên thường có những tương tác không phù hợp với trẻ như phạt hoặc cấm cản cực đoan. Theo anh An, điều này là không nên, mà gia đình cần tìm đến sự cố vấn từ chuyên gia.

“Các cấp lớn hơn tiếp tục giáo dục về tính chất mối quan hệ. Đến tuổi dậy thì sẽ đến các kiến thức về phát triển sinh học, giới, quan hệ tình dục, xu hướng tính dục, thể hiện giới, bất bình đẳng giới, xâm hại, quấy rối, phòng tránh thai, trải nghiệm tình dục và trách nhiệm, tình yêu và tình bạn... Rất nhiều chủ đề được bồi đắp và thiết kế theo độ tuổi phát triển”, anh An thông tin.

Vì thế, anh An khẳng định chương trình giáo dục giới tính cần được nghiên cứu, chuẩn hóa lại để phù hợp với bối cảnh Việt Nam và trải dài ở các cấp độ giáo dục khác nhau.

“Phụ huynh cần chủ động tìm hiểu thông tin khoa học để phá bỏ định kiến sai cũ và phối hợp với nhà trường để hỗ trợ toàn diện, từ đó đồng hành cùng con tốt hơn khi giáo dục giới tính. Đừng quên khi gặp khó khăn, gia đình có thể đi tìm thêm nguồn lực là các chuyên gia trong lĩnh vực này”, anh An kết luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.