Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, xuất hiện trong tiệc trà, bà Phan Thị Thanh Tâm và bà Kim Keon-hee đều diện bộ áo dài truyền thống. Áo dài bà Kim Keon-hee mặc là món quà do phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thân tặng.
Phu nhân Kim Keon-hee bày tỏ sự thích thú với tà áo dài này và chia sẻ việc mặc áo dài như một biểu tượng của tình hữu nghị bền chặt giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Bà Kim Keon-hee cũng giới thiệu với phu nhân Chủ tịch nước về hanbok - trang phục truyền thống của Hàn Quốc.
Trong không gian ấm áp và gần gũi, nghe những bản hòa tấu nhạc dân tộc, hai phu nhân cùng nhau thưởng trà sen và xem trình diễn áo dài. Những bản nhạc độc tấu sáo Giấc mơ trưa và hòa tấu bản nhạc Hàn Quốc Arirang; độc tấu đàn nhị Sarang và hòa tấu Bèo dạt mây trôi, Tôi yêu Seoul, Người ơi người ở đừng về được trình diễn trong tiệc trà.
Bà Kim Keon-hee cho biết đã có một khoảng thời gian ý nghĩa khi cùng bà Phan Thị Thanh Tâm thưởng thức, tìm hiểu về văn hóa, nghệ thuật của hai nước; từ đó có thể cảm nhận được một cách sống động về tình hữu nghị giữa hai nước.
Việt Nam là đáp án cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu
Đón bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu
Di sản tư liệu Văn bản Hán Nôm là bộ sưu tập gồm các sắc phong của triều Hậu Lê, triều Nguyễn nhằm tôn vinh, ban tặng, phong chức cho một số người dân thuộc các dòng họ Nguyễn Huy, Trần, Hoàng, Phan thuộc làng Trường Lưu.
Sáng 24.6, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 310 năm năm sinh Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713 - 2023), 280 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Tự (1743 - 2023), 240 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Huy Hổ (1783 - 2023) và đón bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, H.Can Lộc, Hà Tĩnh) là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cùng đại diện lãnh đạo Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL)…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đã ôn lại thân thế, cuộc đời và những đóng góp to lớn của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, danh nhân Nguyễn Huy Tự và danh nhân Nguyễn Huy Hổ trên các lĩnh vực.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết với sự tâm huyết, dày công, trách nhiệm của các thế hệ con cháu trong dòng họ và sự quan tâm của tỉnh và T.Ư, vào tháng 11.2022, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu vinh dự được UNESCO ghi vào danh sách di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương chúc mừng Hà Tĩnh khi Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được UNESCO ghi vào danh sách di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cần khẩn trương quy hoạch làng văn hóa Trường Lưu và có kế hoạch tổng thể về bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh. Bên cạnh đó, cần tranh thủ các nguồn lực, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu, vinh danh các di sản của tỉnh và của làng Trường Lưu.
Ngay sau phát biểu, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã trao bằng công nhận Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu là di sản tư liệu Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tỉnh Hà Tĩnh.
Triển lãm trực tuyến về báo chí Việt Nam trước 1945
Có khoảng 100 tài liệu, hình ảnh, đầu báo tại triển lãm trực tuyến Báo chí ở VN trước năm 1945.
Tờ Tiểu thuyết thứ bảy nổi tiếng đã từng được in ở nhà in trông như thế nào? Câu trả lời có trong triển lãm trực tuyến Báo chí ở VN trước năm 1945, khai mạc hôm qua (21.6) trên website và fanpage của Trung tâm lưu trữ quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (https://archives.org.vn/baochi). Đó là nhà in Tân Dân, một tòa nhà 3 tầng, do nhà viết kịch Vũ Đình Long thành lập năm 1930. Tân Dân không chỉ in tạp chí Tiểu thuyết thứ bảy mà còn in tạp chí Tao Đàn và tủ sách Tao Đàn.
Triển lãm còn trưng bày bức ảnh toàn cảnh nhà máy giấy Đáp Cầu (Bắc Ninh) được thành lập năm 1913, giúp hình dung rõ hơn về công nghiệp in ấn và báo chí trước 1945. Nếu như ảnh nhà in Tân Dân là tư liệu của nhà sưu tập sách báo Nguyễn Phi Dũng thì ảnh nhà máy Đáp Cầu lại có nguồn từ Thư viện quốc gia Pháp.
Triển lãm Báo chí ở VN trước năm 1945 được chia làm 2 phần. Phần một Những cột mốc làng báo giới thiệu một số mốc quan trọng trong lịch sử báo chí từ khi người Pháp xâm chiếm Nam kỳ đến trước năm 1945. Phần hai Ấn loát và lưu hành gồm tư liệu về phát hành và lưu hành báo chí như giấy in, nhà in, lưu chiểu, bán báo và quảng cáo.
Quảng Ngãi: Đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét phương án trục vớt cổ vật dưới nước
Ngày 21.6, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, phê duyệt phương án khảo sát, thăm dò di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Theo đó, sau khi phát hiện cổ vật dưới nước tại vùng biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp Sở Tài chính Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án khảo sát, thăm dò di sản văn hóa dưới nước. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện: Bình Sơn và Lý Sơn triển khai công tác bảo vệ, tăng cường tuần tra, khoanh vùng, ngăn chặn việc trục vớt trái phép các hiện vật trong khu vực.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc khảo sát, thăm dò và khai quật, trục vớt di sản văn hóa dưới nước ở vùng biển xã Bình Hải trong năm 2023 là nhiệm vụ phát sinh; nguồn ngân sách địa phương, đội ngũ cán bộ, chuyên gia về khảo cổ học còn hạn chế nên tỉnh Quảng Ngãi không bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.
Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, phê duyệt phương án, bố trí ngân sách Trung ương và giao cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ chủ trì thực hiện công tác khảo sát, thăm dò và khai quật, trục vớt di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải.
Theo phương án khảo sát, thăm dò di sản dưới nước tại vùng biển thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, dự kiến thời gian thăm dò là 15 ngày với diện tích 10.000 m2. Vị trí tàu cổ đắm cách xa bờ 3 hải lý, độ sâu nước trên dưới 60 m, trong vùng dòng hải lưu trôi chảy mạnh.
Các phương tiện, gồm: 1 phương tiện sà lan nổi định vị tại vị trí công trường, lắp đặt thiết bị thi công, 1 ô tô 7 chỗ cùng máy móc, vật tư thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác khảo sát, thăm dò.
Bình luận (0)