Sự kiện văn hóa tuần qua: Thu hồi 5 biệt thự cổ tại lầu Bảo Đại, TP.Nha Trang

04/06/2023 07:28 GMT+7

Ngày 29.5, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định về việc thu hồi gần 9.300 m2 đất thuộc 5 căn biệt thự di tích Cầu Đá (lầu Bảo Đại) do Công ty CP Đầu tư Khánh Hà thuê đất tại P.Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang.

Sau khi thu hồi, 5 biệt thự cổ sẽ được giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quản lý theo quy định. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty CP Đầu tư Khánh Hà chấm dứt việc sử dụng đất kể từ ngày 19.5 để sở, ban ngành liên quan thực hiện các thủ tục thu hồi; đồng thời giao TP.Nha Trang chỉ đạo Phòng TN-MT phối hợp với UBND P.Vĩnh Nguyên, đơn vị có liên quan xác định cụ thể mốc giới khu đất thu hồi và bàn giao đất cho Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quản lý theo quy định.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng giao Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà phần đất sau khi trừ đi diện tích gần 9.400 m2 trên để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Sở Xây dựng Khánh Hòa nghiên cứu phần hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ hoạt động 5 căn biệt thự di tích sau khi thu hồi.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Thu hồi 5 biệt thự cổ tại lầu Bảo Đại, TP.Nha Trang - Ảnh 1.

Sau thời gian dài đến nay tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thu hồi lại di tích lầu Bảo Đại

T.B

Lầu Bảo Đại tọa lạc trên đỉnh núi Cảnh Long gồm 5 biệt thự cổ: Nghinh Phong, Vọng Nguyệt, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, do người Pháp xây dựng cách đây đúng 100 năm.

Tháng 10.1995, tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự Cầu Đá - lầu Bảo Đại là "Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh".

Tuy nhiên, từ đó đến nay lầu Bảo Đại chỉ mới là di tích cấp tỉnh, chưa được công nhận di tích cấp quốc gia.

Đến tháng 9.2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại cho liên doanh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Tháng 8.2013, tỉnh Khánh Hòa thu hồi di tích lầu Bảo Đại từ Công ty Khatoco giao hẳn cho Tập đoàn Hà Đô, trong đó có cả 5 ngôi biệt thự cổ để làm dự án biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao.

Trong quá trình thực hiện chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm, bị thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ thi công vi phạm từ tháng 8.2017. Sau đó hai doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm và bị đình chỉ thi công cho đến nay.

Khai mạc Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023

Ngày 1.6, ban tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 cho biết, chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội diễn ra vào tối 2.6 với chủ đề Hòa Bình cho nhân loại hứa hẹn là màn chào sân ấn tượng cho chuỗi 5 đêm pháo hoa.

Chương trình nghệ thuật đêm khai mạc sẽ có sự góp mặt của những nghệ sĩ nổi tiếng, nổi bật là màn trình diễn bản hit Vì chính là em của Hồ Ngọc Hà, sự kết hợp giữa Tùng Dương và ca sĩ trẻ Lâm Bảo Ngọc trong những liên khúc âm nhạc quốc tế và Việt Nam.

Bên cạnh đó, chương trình nghệ thuật khai mạc còn có các tiết mục đến từ Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng và các nghệ sĩ quốc tế từ 25 quốc gia thuộc đoàn nghệ sĩ của Sun World Ba Na Hills.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Thu hồi 5 biệt thự cổ tại lầu Bảo Đại, TP.Nha Trang - Ảnh 2.

Phía đối diện sân khấu là bãi bắn pháo hoa. Sân khấu thiết kế khoáng đạt, lấy hậu cảnh là hình ảnh Đà Nẵng lung linh về đêm

S.X

Quy tụ của hơn 180 nghệ sĩ, chương trình nghệ thuật với những ca khúc ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, lời chào mừng đến với Đà Nẵng, những bài hát quốc tế kinh điển... hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả bữa tiệc âm nhạc, vũ điệu đa sắc màu.

Đáng chú ý, sân khấu của Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 được thiết kế hết sức độc đáo và ấn tượng. Diện tích sân khấu năm nay là 1.050 m2, nằm ở vị trí bờ đông sông Hàn - khu khuôn viên ven sông đường Trần Hưng Đạo.

Kết cấu sân khấu được thi công một phần vươn ra sông và một phần đặt trên bờ. Trong đó, điểm nhấn là khung đèn hiệu ứng LED laser có thể nâng hạ một góc 87 độ.

Sau 3 năm tạm dừng vì dịch Covid-19, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 sẽ chính thức trở lại với chương trình nghệ thuật khai mạc lúc 20 giờ 10 ngày 2.6. Mở màn lễ hội là tranh tài pháo hoa giữa đội chủ nhà Việt Nam - Phần Lan với chủ đề Hòa bình cho nhân loại.

Cây thị hơn 700 tuổi vừa được công nhận là cây di sản Việt Nam

Sáng 30.5, trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Văn Đoài, Chủ tịch UBND xã Kim Hoa (H.Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết, cây thị cổ thụ hơn 700 tuổi trên địa bàn xã này vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận là cây di sản Việt Nam.

"Từ trước đến nay cây thị cổ thụ vẫn luôn được người dân trong xã bảo vệ, gìn giữ. Sau khi cây thị này được công nhận là cây di sản Việt Nam, chính quyền xã sẽ có phương án chăm sóc và bảo vệ cây được tốt hơn", ông Đoài nói.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Thu hồi 5 biệt thự cổ tại lầu Bảo Đại, TP.Nha Trang - Ảnh 3.

Cây thị cổ thụ hơn 700 tuổi ở xã Kim Hoa

TÂN KỲ

Theo ông Đoài, cây thị cổ thụ hiện nay vẫn đang phát triển tươi tốt ở trong một khu đất tiếp giáp với vườn nhà của 3 hộ dân là bà Trần Thị Nhuận, ông Uông Trung Hòa và ông Uông Xuân Hanh (ngụ tại thôn Kim Sơn, xã Kim Hoa). Cây thị có đường kính gốc khoảng 4 m, thân cao khoảng 20 m, cành lá xum xuê, hàng năm trĩu quả.

Đặc biệt, trong gốc cây có hốc rỗng ruột lớn, vài người có thể vào ẩn nấp bên trong. Người dân địa phương còn lập đền thờ dưới gốc cây thị, đặt tên là "Gốc thị sử tích". Tại đây còn có bia đá chỉ rõ gốc thị là chứng tích của một lời thề quyết tâm đánh đuổi giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn.

Tương truyền rằng, vào năm 1424, trong quá trình đánh giặc Minh, để bảo toàn lực lượng, chờ thời cơ chín muồi, nghĩa quân Lê Lợi phải chuyển vào vùng núi Thiên Nhẫn (giáp ranh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để ẩn nấp. Một lần bị địch truy đuổi, Lê Lợi chạy đến vùng núi H.Hương Sơn và nấp vào trong hốc của gốc thị.

Vào năm 1425, biết tin thủ lĩnh nghĩa quân Cốc Sơn Nguyễn Tuấn Thiện đang đứng lên khởi nghĩa ở vùng núi Hương Sơn, Lê Lợi đã tìm đến chiêu quân, kết nghĩa anh em. Sau đó cả hai cùng giết ngựa, cắt tóc ăn thề dưới gốc thị cổ, thể hiện quyết tâm đồng lòng đánh giặc Minh.

Sau khi đánh đuổi giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, Nguyễn Tuấn Thiện được phong là khai quốc công thần.

Người dân địa phương từ đó về sau vẫn luôn lưu truyền sử tích cây thị gắn liền với truyền thuyết về một thời dấy binh đánh giặc Minh của vua Lê Lợi.

Khai mạc Hội sách thiếu nhi TP.HCM năm 2023

Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần IV – năm 2023 diễn ra từ ngày 1.6 tại Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, P.Bến Nghé, Q.1) và một phần vỉa hè Công xã Paris với các hoạt động nổi bật và phong phú.

Phát biểu tại lễ khai mạc hôm 1.6, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Lâm Đình Thắng cho biết: "Hội sách thiếu nhi TP.HCM năm nay tiếp tục được đầu tư tổ chức với nhiều nét mới, hoạt động sôi nổi để phục vụ cho các em thiếu nhi thành phố, bên cạnh các hoạt động chăm lo trẻ em trong chuỗi hoạt động hè năm 2023. Hội sách năm nay khai mạc đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, với nhiều hoạt động bổ ích, với những tựa sách hay, ý nghĩa được chọn lọc và giới thiệu, đáp ứng nhu cầu đọc sách của các em thiếu nhi và quý phụ huynh trong xuyên suốt 7 ngày diễn ra tại Đường sách TP.HCM".

Sự kiện văn hóa tuần qua: Thu hồi 5 biệt thự cổ tại lầu Bảo Đại, TP.Nha Trang - Ảnh 4.

Các hoạt động đang diễn ra tại Hội sách thiếu nhi TP.HCM ngay sau lễ khai mạc

Q.T

Hội sách thiếu nhi TP.HCM là hoạt động thường niên do Sở TT-TT TP.HCM tổ chức trong mỗi dịp hè. Năm nay, Sở TT- TT TP.HCM phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM cùng các sở - ban, ngành và hơn 20 đơn vị là các nhà xuất bản, đơn vị phát hành trên địa bàn thành phố tổ chức, giới thiệu hơn 16. 000 tựa sách dành cho thiếu nhi với đa dạng thể loại, phong phú về nội dung và hơn 30 chương trình giao lưu, ra mắt sách, hoạt động tương tác, trải nghiệm dành cho thiếu nhi trong dịp hè.

Theo đó, có các chương trình như giao lưu tác giả, giới thiệu sách dành cho thiếu nhi nhằm tôn vinh văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu đọc sách trong thanh, thiếu nhi như: chương trình giao lưu ra mắt sách Tâm hồn cao thượng – Giá trị vượt thời đại; Thế giới diệu kì của Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ; giao lưu với tác giả Huỳnh Trọng Khang về tác phẩm thiếu nhi Khu rừng rong chơi…

Chương trình chiếu phim, kịch truyền thanh (chuyển thể từ tác phẩm văn học) dành cho thiếu nhi; giao lưu âm nhạc, giới thiệu các ca khúc nhạc phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học thiếu nhi chủ đề Âm nhạc và văn học, các ca khúc mùa hè chủ đề Thanh âm mùa hạ; chương trình trình diễn, giới thiệu và giao lưu về Đờn ca tài tử…

Các hoạt động tương tác, trải nghiệm cùng sách như: hoạt động thu gom chai nhựa, tô màu với tập truyện, xếp máy bay giấy, làm tranh đất sét, tô tượng, trải nghiệm và cùng thực hiện các sản phẩm về bảo vệ môi trường biển, kể chuyện sách, các trò chơi có liên quan đến sách và phát triển ngôn ngữ…

Các chương trình ưu đãi khuyến đọc cũng được tổ chức trong dịp này, giúp các em có thêm cơ hội được tiếp cận với những cuốn sách mình yêu thích.

Đặc biệt, tại lễ khai mạc Hội sách thiếu nhi TP.HCM hôm nay, giải thưởng Sách thiếu nhi TP.HCM chính thức được công bố. Đây là giải thưởng do Sở TT-TT và Thành đoàn TP.HCM tổ chức, phối hợp cùng các đơn vị: Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD-ĐT và Hội Nhà văn TP.HCM. Đây là lần đầu tiên, TP.HCM có một giải thưởng sách dành riêng cho thiếu nhi với mục đích tìm kiếm những nhân tố mới viết sách, tạo điều kiện môi trường bồi dưỡng đội tác giả viết sách, đồng thời tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng, số lượng sách dành cho thiếu nhi.

Mỗi thể loại có 01 giải nhất: 50 triệu đồng, 01 giải nhì: 30 triệu đồng, 01 giải ba: 20 triệu đồng. Ban tổ chức còn dành 4 giải triển vọng cho tác phẩm hoặc bản thảo đã hoàn chỉnh được viết, được sáng tác bởi các em thiếu nhi trị giá 10 triệu đồng/giải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.