Phụ nữ nên đi khám ngay nếu thấy những triệu chứng này

10/12/2019 04:35 GMT+7

Sa tạng chậu là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn đường tiểu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tình dục ,… của phụ nữ nhưng hầu hết chị em lại mắc cỡ, có tâm lý mặc cảm, không dám đi khám, khiến bệnh càng trầm trọng.

Phiền toái trong sinh hoạt

Chị L.T.O (39 tuổi, ngụ TP.HCM) đã có 3 lần sinh con (sinh thường qua ngả âm đạo). Gần một năm nay, chị O. thấy rất khó chịu vùng hội âm (vùng nằm giữa hậu môn và phần ngoài bộ phận sinh dục), thường bị són tiểu kèm tiểu khó, tiểu gấp. Nhiều lần, chỉ cần hắt hơi, ho mạnh là chị đã són tiểu. Điều này khiến chị hoàn toàn không thoải mái khi tham gia nhiều hoạt động, sinh hoạt thường ngày và lúc nào cũng phải dùng băng vệ sinh hằng ngày.
Thấy triệu chứng “nhạy cảm”, lại mắc cỡ nên chị O. ngại ngần, không đi khám. Đến khi tình trạng bệnh ngày càng phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, chị O. đến khám tại Khoa Niệu học chức năng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD). Chị O. được chẩn đoán bị sa thành trước âm đạo (sa bàng quang) độ III, sa tử cung độ II, sa thành sau âm đạo (kiểu túi sa trực tràng) độ I.
Bệnh nhân phải phẫu thuật để điều trị: nâng đỡ thành trước âm đạo để sửa chữa sa bàng quang, đồng thời khâu cố định cổ tử cung để sửa chữa sa tử cung. Một tháng sau phẫu thuật, chị O. hết khó chịu do khối sa chèn ép, không còn bị rối loạn chức năng tiểu, mọi sinh hoạt trở lại bình thường.
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Ân, Trưởng Khoa Niệu học chức năng, BV ĐHYD: Sa tạng chậu là các bệnh lý liên quan tới tình trạng sa các cơ quan vùng đáy chậu, chủ yếu là qua âm đạo ở nữ giới. Đây là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn đường tiểu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tình dục, mất thẩm mỹ vùng âm đạo, gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ.
Tại Việt Nam chưa có thống kê về tỉ lệ mắc các bệnh lý về sa tạng chậu. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại BV ĐHYD, đây là bệnh lý rất thường gặp và là nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ đã qua sinh nở.
Từ đầu năm 2019 đến nay, BV ĐHYD TPHCM tiếp nhận điều trị cho hơn 600 người bệnh có các bệnh lý về sa tạng chậu, trong đó số ca bệnh nặng cần phẫu thuật là hơn 100 ca. Đa số các trường hợp đến khám trong tình trạng bệnh đã trở nặng, gây nhiều khó khăn trong điều trị.

Các triệu chứng cần đi khám

Bác sĩ Ân cho biết: Sa tạng chậu chia làm 3 nhóm: sa khoang trước (gồm sa niệu đạo và bàng quang), sa khoang giữa (sa tử cung hay mỏm cụt âm đạo nếu đã cắt tử cung) và sa khoang sau (túi sa trực tràng, sa trực tràng). Bệnh nhân có thể bị sa một hay nhiều cơ quan đáy chậu và ở nhiều mức độ khác nhau.
“Nguyên nhân gây ra tình trạng này xuất phát từ tổn thương, suy yếu các cấu trúc cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu, đặc biệt là do quá trình mang thai và sinh nở ở phụ nữ. Bên cạnh đó, tình trạng suy yếu, nhão cơ sàn chậu còn do mãn kinh, lớn tuổi, dinh dưỡng kém hoặc rối loạn chức năng của các cơ quan đáy chậu”, bác sĩ Ân giải thích.
Ở giai đoạn nhẹ, người bệnh sẽ bị són tiểu (tiểu không kiểm soát) làm hạn chế giao tiếp xã hội. Còn khi bệnh diễn tiến đến giai đoạn nặng, tình trạng sa ra ngoài âm đạo sẽ gây viêm nhiễm thành âm đạo và cổ tử cung, khó đi tiểu, khó đi cầu; nhiều trường hợp gây chèn ép niệu quản gây thận ứ nước.
Các triệu chứng điển hình của bệnh thường là đau vùng âm đạo, đau lưng dưới, tiểu không kiểm soát, tiểu khó, đi tiêu khó… Theo thời gian, diễn tiến bệnh thường sẽ ngày càng nặng hơn khiến người bệnh đối diện với nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
“Phụ nữ biết mình mắc các bệnh về sa tạng chậu thường có tâm lý mặc cảm, ngại ngần nên thường tự chịu đựng, không chủ động thăm khám khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng, người bệnh nên đi khám sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời”, bác sĩ Ân khuyên.
Phụ nữ bị sa tạng chậu ở mức độ nhẹ có thể điều trị bảo tồn và tập vật lý trị liệu sàn chậu; ở mức độ nặng có thể phẫu thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.