Phú Quốc: Chủ động phòng chống lụt bão

21/06/2012 08:39 GMT+7

Là huyện đảo nằm cách đất liền cả trăm cây số; địa hình lại có nhiều đồi núi, sông suối… chia cắt phức tạp, do vậy công tác phòng chống lụt bão (PCLB) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) luôn được lãnh đạo H.Phú Quốc (Kiên Giang) đặt lên hàng đầu.

Diễn biến bất thường

Trong mùa mưa bão năm 2011, H.Phú Quốc đã bị ảnh hưởng của 4 cơn bão và 1 cơn áp thấp nhiệt đới. Tuy không có thiệt hại về người nhưng gió bão đã làm sập 4 căn nhà, tốc mái 5 căn nhà, làm chìm 38 tàu cá và 5 xuồng đò. Mưa to kéo dài làm ngập úng, mất trắng gần 200 ha hoa màu, hồ tiêu và ngập lụt khoảng 200 căn nhà…

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng tỉnh Kiên Giang, năm nay tình hình thiên tai sẽ có những diễn biến khó lường. Số lượng, tần suất bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xảy ra nhiều hơn so với trung bình hằng năm; lượng mưa tại Nam bộ dự báo có khả năng cao hơn bình thường. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN H.Phú Quốc nhận định trên đảo hiện có nhiều địa bàn tiềm ẩn nguy cơ ngập úng, sạt lở, như: các khu phố 5, 6, 9, 10 (thị trấn Dương Đông); ấp Cây Thông trong, Cây Thông ngoài, Bến Tràm, Suối Cát (xã Cửa Dương) và một số nơi thuộc xã Cửa Cạn, Hàm Ninh. Ngành chức năng H.Phú Quốc lo ngại trước tình trạng số lượng dân cư đến sinh sống, làm ăn trên đảo ngày càng gia tăng; lượng khách du lịch đến Phú Quốc nghỉ mát, tắm biển cũng ngày càng đông thêm; trong khi trên địa bàn còn thiếu các khu trú bão, neo đậu tàu thuyền và đặc biệt là còn nhiều hộ dân đang sinh sống ven khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, địa phương cũng đang còn thiếu trang thiết bị, phương tiện cứu hộ trên biển, thiết bị thông tin phục vụ công tác PCLB và TKCN.

 Phú Quốc: Chủ động phòng chống lụt bão
Đưa người dân ra khỏi vùng ngập lụt tại ấp Bến Tràm - Ảnh: Giang Sơn

Nỗ lực kéo giảm thiệt hại

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban chỉ huy PCLB và TKCN H.Phú Quốc,  cho biết trong những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện luôn xác định công tác PCLB và TKCN là công việc thường xuyên, liên tục. Ngay từ đầu tháng 6 này, UBND H.Phú Quốc đã phân công cán bộ có năng lực tham gia Ban Chỉ huy PCLB và TKCN; chủ động xây dựng kế hoạch, lập phương án cụ thể nhằm đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết.  Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCLB và TKCN năm 2011; đồng thời lên kế hoạch và triển khai phương án PCLB và TKCN đến các phòng, ban, các xã, thị trấn và đơn vị đóng trên địa bàn. “Mỗi khi có tình huống thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện đều trực tiếp xuống địa bàn để cùng chính quyền địa phương chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Ban Chỉ huy huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra các khu vực dễ bị lũ lụt, úng ngập cục bộ, sạt lở đất; các công trình giao thông, hệ thống đường điện, các cây to lâu năm trước mùa mưa bão để có kế hoạch di dời dân và sửa chữa các công trình. Bên cạnh đó, các ban ngành đã phối hợp tốt với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn nên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai đồng bộ và hiệu quả trên cơ sở phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm lực lượng trực 24/24 giờ để kêu gọi tàu, thuyền về nơi trú ẩn khi có bão. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, Phú Quốc đã hạn chế được tình trạng tàu, thuyền bị đắm, chìm trong bão”, ông Huỳnh Quang Hưng cho biết.

Cũng theo lời ông Huỳnh Quang Hưng, do đặc thù địa bàn biển đảo xa xôi, ngoài việc đề ra phương án phù hợp, H.Phú Quốc rất cần T.Ư và tỉnh Kiên Giang sớm hỗ trợ đầu tư các công trình bờ bao, kè phòng chống triều cường, chống sạt lở bờ biển ở những địa bàn trọng yếu. Ngoài ra, nên hỗ trợ huyện xây dựng thêm các khu trú bão, neo đậu tàu thuyền và đặc biệt là di dời các hộ sống ven khu vực nguy hiểm; đồng thời trang bị phương tiện cứu hộ trên biển, thiết bị thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu trong mọi tình huống.

Giang Sơn

>> Mưa lớn gây ngập lụt Phú Quốc
>> Phú Quốc: 14 xuồng máy và 6 tàu cá bị chìm
>> Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão
>> Sẵn sàng phòng chống áp thấp nhiệt đới
>> Mưa lũ làm sập và cuốn trôi nhà dân
>> Lốc xoáy gây thiệt hại tại nhiều địa phương

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.